Vừa rời quê ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai về Thủ đô nhập học Đại học Bách khoa Hà Nội, Thào A Hùng gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống mới. Thào A Hùng chia sẻ: “Lần đầu tiên em rời khỏi bản làng để sinh sống và học tập giữa thành phố đông đúc, xa lạ. Sự khác biệt về văn hóa, nhịp sống hối hả... khiến em rất khó để hòa nhập. Khó khăn đầu tiên của em là về chỗ ở và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Em tìm được một số phòng trọ có giá 1-2 triệu đồng/tháng nhưng không gian chật hẹp và không có nơi để nấu ăn riêng. Hiện tại, em đang ở phòng trọ của một anh cùng quê”.
Cũng từng rơi vào tình trạng như Hùng nhưng bạn Nguyễn Minh Nguyệt, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tìm ra những biện pháp để có thể thích nghi với cuộc sống xa nhà. Từ những trải nghiệm của bản thân, Nguyệt khuyên các bạn sinh viên mới cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm và tâm lý thật vững vàng. Nguyễn Minh Nguyệt chia sẻ: “Để thích nghi với cuộc sống học xa nhà, các sinh viên nên dành ra một khoảng thời gian đi tham quan và khám phá nơi mình học tập. Điều này giúp các bạn dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Sinh viên mới cũng có thể tìm một công việc làm thêm phù hợp, vừa có thêm thu nhập vừa tích lũy kinh nghiệm sống, chuẩn bị hành trang cho tương lai”.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân tham gia các hoạt động chào đón sinh viên mới. |
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trọng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Để thích nghi với cuộc sống xa nhà, sinh viên mới nên lưu ý một vài điều. Trước tiên, cần xác định rõ động lực học tập, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, hoạt động mới lạ so với bậc THPT. Tiếp đó, nên có kế hoạch rõ ràng, mục tiêu phấn đấu cụ thể cho bản thân trong một thời gian cố định. Cần chủ động trong việc giao tiếp, hợp tác với bạn bè, thầy cô. Giữ và phát huy những thói quen tích cực như đọc sách, lựa chọn chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe hay tham gia hoạt động xã hội cũng là điều các bạn nên làm. Dù ngày 15-9 Trường Đại học Kinh tế quốc dân mới khai giảng nhưng từ ngày 4-9, chúng tôi đã có nhiều hoạt động để chào đón các bạn sinh viên mới như: Tổ chức tuần sinh hoạt công dân-sinh viên đầu khóa; tổ chức họp lớp đầu khóa và các hoạt động định hướng nghề nghiệp; triển khai cho sinh viên có nhu cầu đăng ký ở ký túc xá... Tất cả nội dung này đều nhằm giúp sinh viên hòa nhập, có thể tham gia tốt các hoạt động của quá trình đào tạo tại trường”.
Bên cạnh đó, trước mỗi mùa sinh viên nhập học, tình trạng lừa đảo nhắm đến đối tượng sinh viên mới lại nở rộ như: Lừa đảo tìm việc làm; đặt cọc thuê ký túc xá, nhà trọ... Hiện nay, với sự phát triển của internet, công nghệ cao, các hình thức lừa đảo ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên nhắm vào những sinh viên mới vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Làm thêm là một trải nghiệm rất quý mà sinh viên nào cũng mong muốn có trong thời gian học tập. Đi làm thêm vừa có tiền trang trải cuộc sống vừa học hỏi được kinh nghiệm giao tiếp cần thiết cho sau này. Tuy nhiên, khi đi làm thêm, sinh viên cần cẩn trọng để tránh bị mất tiền, bị lừa đảo gây ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả học tập. Để tìm được công việc làm thêm phù hợp, nguồn việc làm được giới thiệu phải đủ tin cậy ở những địa chỉ uy tín, tránh lấy thông tin từ mạng xã hội không được xác thực rõ ràng. Khi đi làm cũng nên chọn những công việc có liên quan đến ngành học để tích lũy kinh nghiệm. Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có rất nhiều văn phòng trên địa bàn thành phố để hỗ trợ sinh viên tìm việc làm”.
Những lo lắng của sinh viên mới khi bước vào môi trường đại học là điều hoàn toàn bình thường, dễ hiểu. Các bạn nên tìm cách tự điều chỉnh và thích nghi, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. Môi trường mới không chỉ là nơi để học tập kiến thức mà còn giúp phát triển kỹ năng bản thân.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG