Doanh nghiệp đẩy mạnh năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số

Tran Huy
Theo VCCI, 97% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ với trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ, do đó gặp rất nhiều khó khăn khi vận dụng các mô hình hoạt động mới từ nền kinh tế số.

Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số,” ngày 25/10. (Ảnh: Vietnam+)

Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số,” ngày 25/10. (Ảnh: Vietnam+)

Phát triển kinh tế số là chặng đường dài và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 97% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ với trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở doanh nghiệp vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại.

Ứng biến nhờ khoa học công nghệ

Trước những yêu cầu thực tiễn, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp-VCCI đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số,” ngày 25/10.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, chỉ rõ doanh nghiệp có vị trí quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Trong nước, Tổng cục Thống kê cho biết đến hết quý 3, cả nước có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng và đạt hơn 497 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu gần 22 tỷ USD.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, những con số thống kê trên cho thấy nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng và có chiến lược quản lý, điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.

Lãnh đạo VCCI cho rằng một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua, là cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, chỉ ra tốc độ tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam luôn đạt hai con số trong giai đoạn 2019-2022 và nhanh nhất Đông Nam Á. Trong những năm tới, Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế số.

Doanh nghiep day manh nang luc canh tranh trong nen kinh te so hinh anh 1

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI. (Ảnh: Vietnam+)

“Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập vào năm 2045,” ông Phòng nói.

Cấp bách là tránh tụt hậu

Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,9% (năm 2021) lên 14,3% (năm 2022) và 6 tháng của năm 2023 đạt gần 15%.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế, cho biết ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code, ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử… Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, do thiếu nguồn lực (từ vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao). Thêm vào đó, năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số đang là những nút thắt cản trở doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất mới.

Theo ông Trịnh Minh Anh, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nên kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng như tránh tụt hậu về công nghệ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, ông Trịnh Minh Anh cho rằng rất cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, ông Minh Anh kiến nghị Chính phủ cần quán triệt quan điểm “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa (như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải, đào tạo từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án-điều trị bệnh trực tuyến, hệ thống quản lý nông-lâm-ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số…). Để làm được những điều này, các cấp quản lý Nhà nước cần chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh cho rằng cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. “Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm các cơ hội hợp tác mới về chuyển giao công nghệ, phát triển các phương thức kinh doanh mới,” ông Minh Anh nói.

Doanh nghiep day manh nang luc canh tranh trong nen kinh te so hinh anh 2

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,9% (năm 2021) lên 14,3% (năm 2022) và 6 tháng của năm 2023 đạt gần 15%. (Ảnh: Vietnam+)

Giải bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, bà Bùi Thị Hải Yến, Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel, chia sẻ hiện có không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa “tự động hóa” (kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin) với “thông minh hóa” (kết quả ứng dụng công nghệ số), do đó cần hiểu đúng thì mới làm đúng. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm kiếm sự tham vấn để lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, thương mại số D2C, giải pháp kho thông minh, trợ lý số), từ đó làm với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời.

Theo bà Hải Yến: “Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi phương pháp tư duy và tập quán sản xuất kinh doanh đã hình thành từ nhiều chục năm, để đón nhận cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới. Tuy nhiên, mọi thách thức đều là nhỏ bé trước cơ hội ‘ngàn năm có một’ của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế đất nước. Trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp có cơ hội nhảy vọt nhờ ứng dụng công nghệ số, cho dù xuất phát từ vị trí nào trong nấc thang phát triển.”

Ở góc độ của đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp, dựa theo kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho 250.000 doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, quy mô, bà Đinh Thị Thuý Tổng Giám đốc MISA chỉ ra một số vấn đề chính trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp rời rạc. Mỗi bộ phận, phòng ban dùng một giải pháp khác nhau nên không kết nối và dẫn đến thông tin phải nhập đi-nhập lại, dữ liệu phân mảnh. Mặt khác, doanh nghiệp khi lớn dần lên thì ứng dụng đang triển khai không còn phù hợp và cần phải thay thế. Song, thách thức mới đặt ra là làm sao có thể kế thừa dữ liệu lịch sử rất quan trọng ở ứng dụng cũ. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp đều mong muốn ứng dụng một hệ thống có tầm nhìn dài hạn (như Hệ thống giúp hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp- ERP). Nhưng thực tế, hầu hết các doanh nghiệp không thể dụng hểt chức năng của ERP trong khi ngân sách để sử dụng Hệ thống này không nhỏ đồng thời việc đào tạo vận hành rất phức tạp. Về năng lực tài chính, các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, thiếu tài sản đảm bảo, khó tiếp cận vốn vay giúp phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề này, bà Thúy cho biết MISA đã phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Đây là giải pháp được phát triển theo mô hình hội tụ dữ liệu giúp quản trị mọi hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp bao gồm tài chính-kế toán, marketing-bán hàng, quản trị nhân sự và văn phòng số.

Từ đó, MISA AMIS đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp về mặt kết nối, giúp tăng tính liên thông và kế thừa dữ liệu. Bên cạnh đó, lãnh đạo các doanh nghiệp dễ dàng có được bức tranh tổng thể, toàn diện nhất về tổ chức với hệ thống báo cáo đa chiều, trực quan.

“Ngoài ra, MISA AMIS cũng là trung tâm kết nối để mở rộng hệ sinh thái cho doanh nghiệp. Thông qua cổng tích hợp, nền tảng sẵn sàng kết nối với bên thứ ba nhằm giúp doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích hơn và có thể đặc thù hóa tối đa theo yêu cầu của mỗi khách hàng,” bà Thúy nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)