Giải mã bí ẩn kiến trúc Điện Kính Thiên

Nguyễn Ánh Hiền
Hơn mười năm trước, khi Hoàng thành Thăng Long được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, hiểu biết của chúng ta về Điện Kính Thiên - nơi vua làm lễ đăng quang, cùng quần thần bàn quốc sự, nơi tiếp đón sứ thần… trong thời đại quân chủ gần như là con số 0. Nhưng hơn mười năm qua, từ kết quả khai quật khảo cổ và nghiên cứu khoa học liên ngành, không gian nơi thiết triều dần hiển lộ. Quy mô của tòa điện dần được làm rõ.
1-dien-kinh-thien-2-5467-1704507073.jpg
Hà Nội đã phục dựng nhiều nghi lễ cung đình tổ chức tại Điện Kính Thiên và đang nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên trong thời gian tới.

Cùng với đó, điều tưởng như ngoài tầm với của khoa học là hình thái cấu trúc và trang trí bộ mái cũng được tìm lại. Đó là một tòa kiến trúc khổng lồ, xứng đáng là niềm tự hào của kiến trúc Việt.

Những phát hiện khảo cổ trong năm 2023 đã chứng minh nhiều giả thuyết về Điện Kính Thiên thời gian qua, đồng thời, cũng đem lại những bất ngờ lớn với các nhà khoa học, nhất là quy mô đồ sộ của Điện.

Quy mô đồ sộ nơi thiết triều

Đứng bên những hố khai quật khảo cổ nền Điện Kính Thiên tại Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giáo sư Tống Trung Tín không giấu nổi niềm vui xen lẫn xúc động: “Sau hơn mười năm nghiên cứu, kết quả khai quật khảo cổ năm nay có rất nhiều đột phá. Đặc biệt, chúng ta đã bước đầu nhận diện quy mô của Điện Kính Thiên. Kiến trúc phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, các cây cột đóng vai trò chịu lực chính. Người xưa làm những móng cột và đặt đá tảng kê chân cột. Chúng ta đã phát hiện những móng cột lớn trong các thời kỳ Lý, Trần, Lê. Nhưng móng cột của Điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng là lớn nhất, chưa bao giờ có móng cột quy mô như thế, gồm móng đơn và móng kép. Trong đó, kích thước mỗi chiều móng cột đơn lên đến 2,3m x 2,4m, độ dày 2,1m. Mỗi móng cột được gia cố rất kỹ bằng việc đầm lần lượt một lớp gạch, rồi một lớp đất. Một móng cột có tới 31 lớp gạch, đất được đầm. Từ quy mô bề thế của móng cột, có thể suy ra quy mô rất đồ sộ của kiến trúc bên trên”.

Hoàng thành Thăng Long là tên gọi chung cho không gian gồm nơi thiết triều, nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia, gồm hàng loạt công trình khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất là nơi thiết triều. Qua các thời kỳ khác nhau, nơi thiết triều có tên gọi khác nhau như: Càn Nguyên, Thiên An. Thời Lê sơ và tiếp đó là thời Mạc, thời Lê Trung hưng, vị trí thiết triều không thay đổi, chính là khu vực có thềm rồng chín bậc trong Hoàng thành Thăng Long ngày nay và có tên gọi Điện Kính Thiên. Khi nhà Nguyễn định đô ở Huế, chính quyền đã cho phá Hoàng thành Thăng Long và xây thành Hà Nội với quy mô nhỏ hơn, cũng tại khu vực Hoàng thành.

Đại thi hào Nguyễn Du từng cảm khái: “Điện cũ ngàn năm thành đường cái/Một tòa thành mới mất cung xưa” trước những biến động ấy. Điện Kính Thiên bị dỡ đi, thay vào đó là một tòa điện mới trên chính nền điện cũ vào năm 1816. Sau đó, Vua Thiệu Trị đặt tên là điện Long Thiên năm 1841. Khi người Pháp chiếm thành Hà Nội, năm 1886, điện Long Thiên bị phá hủy, thay vào đó là trụ sở pháo binh và một số công trình khác trong khu vực Hoàng thành. Dấu tích vàng son một thuở chỉ còn một bộ bậc thềm đá có lan-can chạm rồng ở phía trước và một bộ ở phía sau nền điện. Cả hai đều đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Do thời nhà Lý, nhà Trần đã quá xa xôi, cho nên các nhà khoa học đều mong muốn giải mã được bí ẩn kiến trúc Điện Kính Thiên thời Lê. Tuy nhiên, khó khăn rất lớn. Thời gian công trình bị phá hủy đã cách đây hai thế kỷ. Nhiều công trình khác được xây lên, cho nên hiểu biết của chúng ta về Điện Kính Thiên trong thời điểm Hoàng thành Thăng Long được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới gần như là con số 0.

Nhưng liên tục từ đó đến nay, các cuộc khai quật khảo cổ đã dần làm sáng tỏ quy mô, hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên. “Hiện nay, chúng ta đã xác định mười móng đơn, bảy móng kép, quy ra là 24 đơn vị móng đơn. Kết quả khai quật cho thấy mặt bằng kiến trúc thời Lê Trung hưng sử dụng trọn vẹn mặt bằng thời Lê sơ. Căn cứ vào móng cột đào được, chúng ta bước đầu xác định Điện Kính Thiên có quy mô chín gian, gian giữa rộng 6,8m, các gian bên rộng 5,35m, hai gian hồi mỗi gian rộng 3,4m. Tổng diện tích Điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng khoảng 1.485m2”, Phó Giáo sư Tống Trung Tín cho biết thêm.

Những lộng lẫy vàng son

Mái và bộ khung chịu lực đỡ mái là những thành phần rất quan trọng trong kiến trúc Á Đông. Vài năm trước, các phát hiện khảo cổ đã làm rõ đến từng viên ngói lợp mái của các cung điện trong Hoàng thành, trong đó có Điện Kính Thiên. Nếu như các công trình tín ngưỡng, tôn giáo còn tồn tại đến ngày nay thường dùng ngói vảy cá, ngói mũi hài bằng đất nung, để mộc, thì ngói ở Điện Kính Thiên là ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly, màu vàng tượng trưng cho hoàng đế). Mỗi viên ngói ở diềm mái có đầu rồng, các viên ngói tiếp theo là thân rồng, viên áp mái là đuôi rồng. Cả bộ mái ngói là cả một đàn rồng sinh động. Đây là sự khác biệt lớn so với mái cung điện của tất cả các cung điện khu vực châu Á trong thời kỳ trung đại.

Bộ khung đỡ mái vốn bằng gỗ. Những cuộc phá hủy và thời gian khiến việc tìm lại cấu kiện gỗ gần như vô vọng suốt một thời gian dài và đặt ra nhiều câu hỏi: Kiến trúc Điện Kính Thiên là kiểu thức “kẻ truyền”, giống như kiến trúc đình, chùa truyền thống ở bắc Việt Nam hay theo kiểu thức “đấu củng” như kiến trúc thời Lý, Trần và tương đồng với kiến trúc cung đình của Trung Quốc, Hàn Quốc? Đây là những câu hỏi lớn được đặt ra khi định hướng nghiên cứu giải mã về hệ khung giá đỡ mái và hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam.

Nhưng rồi thật may mắn, các cuộc khai quật khảo cổ trong giai đoạn 2002-2004 đã tìm thấy những cấu kiện gỗ đầu tiên. Đặc biệt, năm 2017-2018, khi khai quật chung quanh Điện Kính Thiên, các nhà khoa học tìm được 70 cấu kiện gỗ của kiến trúc, bao gồm cột, xà góc, rui hiên, ván sàn, rường nóc trên bộ vì… nằm dưới đáy của một dòng chảy thời Lê.

Trong đó, có nhiều cấu kiện nằm trong kết cấu của hệ đấu củng. Năm 2021, phía đông Điện Kính Thiên còn tìm thấy một mô hình kiến trúc men xanh lục rất đặc sắc, phản ánh chân thực bộ khung gỗ đỡ mái là hệ đấu củng. Hệ đấu củng được thể hiện theo phương nằm ngang với mật độ cao và đấu củng không chỉ được đặt trên đầu các cột mà còn được bố trí ở vị trí giữa các cột hay giữa các gian. Từng cụm đấu củng được mô tả khá hiện thực gồm có lư đấu, đấu đặt trên tay củng, bình áng đầu chim, bình áng đầu châu chấu, đặc biệt bình áng khóa đầu củng đặt trên đầu cột được tạo hình đầu rồng.

Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, người trực tiếp nghiên cứu về bộ khung và mái của Điện Kính Thiên cho biết: “Mặc dù chưa tìm thấy hoàn toàn đầy đủ bộ đấu củng, nhưng kết hợp giữa những tư liệu khảo cổ, dựa vào hình thái kiến trúc cung điện vẽ trên đồ gốm và tư liệu mô hình kiến trúc thời Lê sơ, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có đủ cơ sở để xác định chắc chắn kiến trúc Điện Kính Thiên thuộc dạng đấu củng. Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên”.

Theo các nhà khoa học, đấu củng là một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà, vừa có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa có khả năng chịu lực và đóng vai trò trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình. Bằng cách lắp ghép nhiều khung gỗ hình chữ nhật, đấu-củng có thể chuyển trọng lượng lớn của mái vào các cột đỡ, giúp kiến trúc đứng vững, không bị rung chuyển khi động đất.

Do tại các kiến trúc cổ truyền, mọi người thường thấy ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hay nhà ở thường sử dụng hình thái kiến trúc kẻ truyền nên đấu củng có phần lạ lẫm với không ít người. Nhưng nhiều tư liệu lịch sử cho thấy, đây là hình thái kiến trúc phổ biến trước kia. Hiện vẫn còn tồn tại một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ sử dụng hình thái kiến trúc này còn lại như: Gác chuông chùa Keo (huyện Vũ Thư, Thái Bình), đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội), điện Thánh chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội)...

Kết luận về hình thái kiến trúc đấu củng còn dựa trên kiến trúc cung điện đồng đại của các nước đồng văn như Hàn Quốc, Trung Quốc. Một điều đặc biệt khác, nhiều cấu kiện gỗ đào được quanh khu vực Điện Kính Thiên đều còn dấu vết sơn son, một số cấu kiện gỗ vẫn còn dấu vết dát vàng chất lượng cao, người xưa thường gọi là “vàng mười”. Điều này cho thấy, Điện Kính Thiên xưa kia rất lộng lẫy, vàng son.

Không đơn thuần là nơi thiết triều, nơi vua cùng quần thần bàn quốc sự, Hoàng thành Thăng Long, nhất là Điện Kính Thiên còn là biểu tượng của độc lập, chủ quyền dân tộc, nơi hội tụ những tinh hoa kiến trúc, mỹ thuật của dân tộc. Vẫn còn những bí ẩn cần giải mã, đặc biệt là nội thất, hay những cấu kiện cụ thể của bộ mái, kích thước các cột chính, cột quân của Điện Kính Thiên…

Song, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cho biết: “Từ chỗ hiểu biết của chúng ta về Điện Kính Thiên chỉ là những dòng vắn tắt trong chính sử, đến nay, chúng ta đã xác định rõ được không gian của thiết triều, đường ngự đạo, hệ thống hành lang bao quanh không gian thiết triều, quy mô của Điện Kính Thiên... Các phát hiện khảo cổ cho thấy, không gian Điện Kính Thiên vừa có nét tương đồng với những nước đồng văn, vừa có nét khác biệt. Bí ẩn về Điện Kính Thiên đang từng bước được giải mã, là cơ sở để phục dựng Điện Kính Thiên”.

Hoàng thành Thăng Long hôm nay đã là một điểm du lịch quan trọng hàng đầu của Thủ đô. Nhưng khi đến đây, người dân khó có thể hiểu được vẻ đẹp kiến trúc, hiểu được thông điệp của người xưa do phần lớn các công trình đều chỉ còn là phế tích. Bởi thế, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cũng như nhiều nhà khoa học khác đều nhấn mạnh: Với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Điện Kính Thiên, việc phục dựng là trách nhiệm của chính quyền, của các nhà khoa học với nhân dân, với lịch sử và cần được tập trung triển khai trong thời gian tới.