Giám sát chặt các mỏ đá gây ảnh hưởng đời sống người dân

Tran Huy

Theo phản ánh của người dân tại Thôn 3 và bản Cuông Mường, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu (Sơn La), cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây luôn trong cảnh bất an mỗi khi mỏ đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thảo Yến nổ mìn khiến nhà cửa rung lắc như dư chấn động đất, gây ô nhiễm môi trường bởi bụi dày đặc và tiếng ồn...

Các mỏ đá ở Thuận Châu (Sơn La) đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Trong ảnh: Khu vực mỏ đá phía trong và phía ngoài là khu dân cư, trường học, khu hoạt động thể thao.
Các mỏ đá ở Thuận Châu (Sơn La) đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Trong ảnh: Khu vực mỏ đá phía trong và phía ngoài là khu dân cư, trường học, khu hoạt động thể thao.

Ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt tại khu vực mỏ đá. Mặc dù thời điểm này mỏ đá không nổ mìn nhưng ngay từ ngoài quốc lộ 6, đoạn chạy qua trung tâm xã Tông Lạnh, rất nhiều xe tải ra vào mỏ đá để chở đá đi các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Theo người dân, những đoàn xe tải chở đá gây bụi, ô nhiễm tiếng ồn và môi trường sống nghiêm trọng.

Một người dân Thôn 3, sống ngay đoạn đường rẽ vào mỏ đá cho biết: Tiếng ồn, khói bụi do lượng ô-tô tải thường xuyên chạy qua thì khó tránh khỏi, chúng tôi vẫn phải chịu đựng vì cũng đã kiến nghị rất nhiều rồi nhưng chưa thấy hướng giải quyết dứt điểm. Chúng tôi ở khu vực này không lo nguy cơ đá nổ văng vào nhà như các hộ phía trong hay gần khu mỏ đá nhưng khói bụi thì thường xuyên, rồi tiếng ồn do máy xay đá, thậm chí diễn ra cả đêm. Có thời điểm, sau tiếng nổ mìn ở mỏ đá là bụi tràn ra cả ngoài quốc lộ 6. Nhà cửa khu vực này thường xuyên phải đóng nếu không kinh doanh buôn bán, vậy mà ngày nào cũng phải lau chùi các vật dụng trong nhà.

Quan sát nhà ở của những hộ dân ở Thôn 3 và bản Cuông Mường hay diện tích cây trồng chung quanh khu vực mỏ đá Thảo Yến đều bị phủ đầy những lớp bụi đất. Từ những tuyến đường nội bản, nội thôn cho đến trong nhà dân sinh sống quanh khu vực mỏ đá, đâu đâu cũng thấy bụi đất phủ từng lớp.

Một hộ dân có nhà ngay mặt đường tuyến quốc lộ 6 chuyên bán đồ ăn nhanh phía trước cửa nhà cho biết thêm: "Có hôm bụi tràn ra ngoài đường, gia đình tôi phải huy động người bê vội đồ ăn nhanh vào trong nhà. Có lúc quần áo vừa giặt chưa phơi xong thì đã phủ đầy bụi đất. Ở tuyến quốc lộ 6 này, bụi dày đặc, ô-tô và xe máy đi phải bật đèn dù mới là 3 giờ chiều".

Lãnh đạo Thôn 3 chia sẻ, người dân rất bức xúc và họ nhận được rất nhiều điện thoại phản ánh. Sau khi thôn, xã có ý kiến, huyện cũng vừa về họp làm biên bản. Người dân trong thôn kiến nghị rất nhiều lần về ảnh hưởng của việc nổ mìn hay tiếng ồn thường xuyên do nghiền đá cả ngày đêm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Không chỉ môi trường sống bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi, nhiều hộ dân gần khu vực mỏ đá còn luôn sống trong cảnh bất an khi lo sợ đá lăn, đá văng do mỗi lần nổ mìn. Ðã có nhiều hộ bị đá văng xuyên thủng cả mái nhà nhưng rất may không gây nguy hiểm cho người. Một hộ dân bản Cuông Mường, sinh sống phía sau núi nơi Công ty TNHH Thảo Yến đang tiến hành khai thác đá cho biết: Tính theo đường chim bay, mỏ đá cách chỗ nhà chúng tôi ở chưa đến 200m. Chẳng qua núi cao chắn không nhìn thấy mỏ đá đang hoạt động. Tuy nhiên, cũng bởi những lần nổ mìn mà phía bên này đã xảy ra tình trạng đá lăn xuống phía khu vực trồng cà-phê và các hộ dân đang ở. Chỗ nhà tôi năm ngoái một tảng đá to lăn xuống, lao qua nương cà-phê, xuyên thủng tường bao. Sau đó, công ty cho người đến phá đá và chất đầy một xe tải. Chúng tôi lo sợ lắm, chả biết đá sẽ lăn xuống bất kỳ lúc nào. Ngoài khu trồng cà-phê còn nhiều tảng đá to như con trâu trưởng thành cũng lăn từ phía trên núi xuống sau mỗi lần nổ mìn. Trước đây khi chưa nổ mìn khai thác đá thì không có tình trạng đá lăn như thế.

Theo người dân, tình trạng nổ mìn còn ảnh hưởng tới cả khu trường trung học phổ thông và mầm non cách đó chừng 300m. Tại những khu vực trường học, từ mái nhà cho đến sân trường hay mặt ngoài các cánh cửa sổ được đóng kín đều phủ đầy những lớp bụi. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Tông Lạnh cho biết: Người dân kiến nghị rất nhiều, xã cũng kiến nghị lên huyện và các đoàn công tác của tỉnh đưa ra giải pháp vừa bảo đảm sản xuất cho mỏ đá vừa bảo đảm môi trường sống, an toàn cho người dân. Năm 2021, mỏ đá từng bị phạt hơn 80 triệu đồng về những vi phạm và phải tạm dừng gần hai tháng. Lãnh đạo xã đã đến khu vực người dân phản ánh vào đúng giờ nổ mìn và cảm nhận đúng như người dân phản ánh là sau tiếng nổ có hiện tượng rung và bụi.

Làm việc với chúng tôi, Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết, việc cấp vật liệu nổ đúng quy định, khai thác đá đúng theo thiết kế là cắt tầng, mỏ đá này chưa xảy ra tai nạn lao động, chưa phát hiện về vi phạm sử dụng vật liệu nổ... Tuy nhiên, khi phóng viên trao đổi thì được biết từ năm 2020 đến thời điểm làm việc (sáng 27/2), đơn vị này chưa kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ tại mỏ đá...

Hơn lúc nào hết, các đơn vị liên quan của tỉnh Sơn La cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra và giám sát định kỳ việc sử dụng vật liệu nổ tại các mỏ đá trên địa bàn, nhất là những khu vực người dân kiến nghị, bức xúc nhiều năm.

Bài và ảnh: QUỐC TUẤN