Hà Tĩnh: Các công trình hồ chứa đủ khả năng tiếp nhận lưu lượng nước do bão số 4 gây ra

Tran Huy
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp vận hành, điều tiết nguồn nước để bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du cũng như tích đủ nước phục vụ sản xuất, đến thời điểm hiện nay mực nước tại các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh đang khá thấp, đủ sức đón nhận lưu lượng nước của đợt mưa lớn đầu tiên có khả năng xuất hiện tại Hà Tĩnh do ảnh hưởng của bão số 4.
Mực nước tại các hồ chứa lớn trên địa bàn Hà Tĩnh hiện chỉ đạt khoảng 20% dung tích thiết kế.
Mực nước tại các hồ chứa lớn trên địa bàn Hà Tĩnh hiện chỉ đạt khoảng 20% dung tích thiết kế.

Sáng 19/9, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho biết, mực nước tại các hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) ở Hà Tĩnh hiện đang khá thấp, vì vậy trường hợp xảy ra mưa lớn, các công trình này vẫn đủ khả năng tích trữ và điều phối nước một cách an toàn.

Đặc biệt, mực nước tại các hồ chứa lớn như: hồ Ngàn Trươi (775 triệum3), hồ Kẻ Gỗ (345 triệum3)... mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% dung tích thiết kế. Ngoài ra, mực nước tại một số hồ đập khác trên địa bàn như: hồ Bộc Nguyên, hồ Thượng Tuy, hồ Sông Rác, hồ Thượng Sông Trí, hồ Kim Sơn, hồ Tàu Voi... đạt từ 30 - 50% dung tích thiết kế.

Theo ông Trần Đức Thịnh, để có được trạng thái chủ động này, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về các giải pháp ứng phó với những diễn biến thiên tai hết sức phức tạp trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

Trong đó nhấn mạnh việc tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập, nhất là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, đê, cống qua đê đang thi công.

Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.

Đối với các hồ chứa có cửa van, đơn vị quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn, để chủ động vận hành, nhằm bảo đảm an toàn công trình, an toàn hạ du và tích đủ nước phục vụ sản xuất. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các công trình trọng điểm: hồ Kẻ Gỗ-Bộc Nguyên; Sông Rác-Kim Sơn-thượng Sông Trí, đê La Giang, nhà máy Thủy điện Hố Hô, nhà máy Thủy điện Hương Sơn, công trình Ngàn Trươi-Cẩm Trang theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai các phương án được duyệt bảo đảm an toàn cho công trình; đối với các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) yêu cầu các chủ đập cần theo dõi diễn biến mưa lũ, cân đối nguồn nước và chủ động xả sớm để đón lũ, vừa bảo đảm an toàn công trình, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại vùng hạ du...

Hà Tĩnh là địa phương có số hồ, đập và trữ lượng nước lớn của cả nước, với 348 hồ chứa thủy lợi (tổng dung tích chứa hơn 1,57 tỷ m3 nước) và 86 đập dâng (lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s).

NGÔ TUẤN