Hiểm họa khôn lường từ rác thải nhựa

Nguyễn Ánh Hiền
(Tapchivietduc.vn) - Với sự tăng nhanh của công nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhựa cùng việc chưa có các chính sách cụ thể để quản lý rác thải nhựa một cách toàn diện; bên cạnh đó thái độ tiêu dùng lãng phí, thiếu ý thức của người dân là những nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải nhựa tăng cao và gây nhiều tác động như hiện nay.

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Với số lượng rác thải nhựa quá lớn, đã gây ra những tác hại khôn lường cho môi trường và con người.

tinh-trang-rac-thai-nhua-1712740627.jpg
Vấn nạn rác thải nhựa (ảnh minh họa)

Đối với môi trường:

Rác thải nhựa nếu không được xử lý đúng cách tồn tại sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng. Dưới môi trường nước, việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển, sông, hồ,... đã gây ra hiện tượng "ô nhiễm trắng". Trong nước, nhựa sẽ phân hủy thành các hạt vi nhựa (microplastics), làm tăng độ đục của nước gây ô nhiễm và làm ảnh hường nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản. Theo thống kê, hằng năm có gần 300 loài sinh vật biển bị vướng hay ăn phải các mảnh rác thải nhựa trên biển, gây phá hủy tế bào, tác động xấu tới hệ tiêu hóa... hoặc làm tắc khí quản gây ngạt thở. Chính việc này là nguyên nhân gây phá huỷ hay suy giảm đa dạng sinh học và làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển.

Trong môi trường không khí, rác thải nhựa khi đốt sẽ gây ra khói độc hại và làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí, thủng tầng ozon tự nhiên bảo vệ Trái đất.

Trong môi trường đất, các hạt vi nhựa ngấm xuống đất làm ô nhiễm gây xói mòn và mất khả năng giữ nước của đất khiến cây chậm phát triển ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của người dân.

Đối với sinh vật, rác thải nhựa có thể làm thay đổi môi trường sống tự nhiên và tạo ra những điều kiện không thuận lợi cho sinh vật sống.

Đối với sức khỏe con người:

Tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe của con người là rất lớn. Vi nhựa và chất hóa học từ rác thải nhựa có thể tiếp xúc với con người qua đường ăn uống và môi trường xung quanh, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được tác hại của chúng đối với cơ thể người. Có thể được chia thành hai loại: Tác hại trực tiếp và tác hại gián tiếp.

Đối với tác hại trực tiếp: Các hạt nhựa nhỏ có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống,hít thở hoặc tiếp xúc qua da và gây ra nhiều vấn đề sức các hạt nhựa có thể gây ra tắc nghẽn đường tiêu hóa, dẫn đến đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí thủng ruột. Một số chất có trong vi nhựa như melamine, BPA (có trong nhựa dẻo), Phthalates,.. có thể gây ra viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, giảm hormone tuyến giáp, ung thư,...

Tác hại gián tiếp: Rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đất và nước. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như: Bệnh về đường hô hấp, tim mạch, vấn đề tiền đình, hen suyễn, viêm phế quản,...và hậu quả về sức khỏe sinh sản.

Riêng đối với lĩnh vực đặc thù như y tế, rác thải nhựa trong y tế chứa đựng rất nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B...Các tác nhân này có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp, qua đường tiêu hóa, việc tiếp xúc với các loại chất thải y tế lây nhiễm như bơm tiêm dính máu và dịch tiết, chai lọ đựng dung dịch thuốc nguy hại gây độc tế bào có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể, các loại chất thải y tế không được xử lý đúng cách, chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Cùng với đó, nó sẽ gây ảnh hưởng tới những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

Có thể thấy rác thải nhựa nếu không được xử lý đúng cách sẽ đem lại tác hại vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của con người. Với tình trạng rác thải nhựa ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát của con người như hiện nay, nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời thì các thế hệ tương lai sẽ phải chịu hậu quả do thế hệ đi trước để lại.

Võ Vương Phú Hải