Lắp đặt tấm pin mặt trời tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. (Ảnh TRẦN TUẤN) |
Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chính sách của Nhà nước rõ ràng khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời mái nhà đấu nối hoặc liên kết với lưới điện quốc gia, nhưng vẫn cần quản lý chặt để bảo đảm nhiều mục tiêu. Thứ nhất, trong quy hoạch điện VIII, quy mô phát triển điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW và nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.
Trường hợp không quản lý chặt điện mặt trời mái nhà có thể sẽ dẫn đến quy mô thực tế phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh điện quốc gia vì hoạt động của nguồn điện này phụ thuộc nhiều vào bức xạ mặt trời cũng như các yếu tố thời tiết bất định khác. Mặt khác, phát triển điện mặt trời mái nhà cũng cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ theo quy định pháp luật về môi trường, phòng chống cháy nổ nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng công nghệ lạc hậu, chất thải rắn ra môi trường và thiệt hại về tính mạng, tài sản do cháy nổ.
Nghị định mới cũng thực hiện đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước cho các địa phương, tăng cường phân cấp cho các đơn vị điện lực, hạn chế việc can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy định mới sẽ hướng tới bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo đảm kết hợp hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.
Để tạo thuận lợi, trong Dự thảo Nghị định mới, Bộ Công thương đề xuất các dự án điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở riêng lẻ (chỉ sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, không hoạt động kinh doanh điện lẻ, có hoặc không có yếu tố nước ngoài) sẽ không phải thực hiện phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải lập dự án đầu tư.
Dự thảo cũng cho phép các tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện nhưng Nhà nước sẽ ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia sẽ phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.
Quy định này đang gây rất nhiều tranh cãi trong những ngày qua vì việc ghi nhận sản lượng điện phát lên lưới với giá 0 đồng có thể hạn chế sự đầu tư vào điện mặt trời mái nhà thay vì khuyến khích phát triển như chủ trương ban đầu. Theo nhận định của một số chuyên gia, tổng công suất điện mặt trời mái nhà được lắp đặt đã vượt ngưỡng trong Quy hoạch điện VIII (2.600 MW). Vì vậy, nếu áp giá cho sản lượng điện phát lên lưới sẽ dẫn đến việc người dân đầu tư ồ ạt, tạo nguy cơ “vỡ quy hoạch” và ảnh hưởng đến an toàn lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, hiện miền bắc vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang phải mua điện từ nhiều nguồn có giá rất cao, phát thải nhiều như điện than, điện khí,… Chính vì vậy, Bộ Công thương nên nghiên cứu quy định cho phép EVN đàm phán mua lượng điện mặt trời mái nhà dư thừa với giá thấp ở những vùng và thời điểm nhất định theo sự điều tiết của cơ quan điện lực nhằm tránh lãng phí cho người dân khi đầu tư vào điện mặt trời mái nhà cũng như thực hiện đúng chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn điện sạch.
Giải thích về vấn đề này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết chủ trương khi xây dựng cơ chế về điện mặt trời mái nhà là không mua điện dư thừa của các tổ chức, cá nhân lắp đặt. Nguyên nhân là nếu quá nhiều nguồn điện mặt trời mái nhà đẩy lên hệ thống sẽ gây quá tải lưới; các nhà máy điện khác cũng sẽ phải giảm công suất để “nhường chỗ” cho nguồn điện này, gây nguy cơ mất an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
CHÍ CÔNG