Hội phụ nữ Lai Châu tích cực tham gia phòng, chống tảo hôn

Nguyễn Ánh Hiền
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, có 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số. Do trình độ của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nên tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn còn diễn ra. Trước thực trạng đó, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cơ quan đơn vị trong đó có Hội Phụ nữ phối hợp với các địa phương triển khai đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho bà con, từ đó từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn.
Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn còn diễn ra ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu của Lai Châu.
Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết vẫn còn diễn ra ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu của Lai Châu.

Em Giàng thị Kia, bản Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, mặc dù mới bước vào tuổi trăng tròn, độ tuổi đẹp nhất của thiếu nữ song đã có đến 2 mặt con, đứa lớn 2 tuổi, đứa bé 6 tháng tuổi. Do phong tục và kiến thức về hôn nhân còn hạn chế nên Kia đã kết hôn từ năm 13 tuổi. Lấy chồng sớm, nên em đã phải gác lại con đường đèn sách và cuộc sống hiện tại với hai mặt con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.

Giàng Thị Kia tâm sự, em đang học cấp hai thì bỏ dở để lấy chồng. Bấy giờ cũng chỉ biết phong tục ở bản trước vẫn thế nên mình cũng thế. Lấy chồng rồi sinh con việc gì cũng chưa biết, con nhỏ, không công việc, nên cuộc sống rất vất vả. Giờ nhiều khi nhìn các bạn cùng lứa còn đi học, có thời gian đi đây đó nhiều khi cũng thấy tủi thân.

Hội phụ nữ Lai Châu tích cực tham gia phòng, chống tảo hôn ảnh 2
Hội phụ nữ các cấp tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền phòng chống tảo hôn.

Mặc dù công tác tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn được các cấp hội phụ nữ tuyên truyền sâu rộng. Những do những hủ tục vẫn tồn tại, thêm vào đó giao thông đi lại khó, điều kiện kinh tế của các hộ dân còn hạn chế, bà con thường sống tách biệt ở các bản làng vùng cao, vùng sâu, hệ lụy của tảo hôn bởi phong tục đâu đó vẫn còn đeo bám.

Chị Sùng Thị Nu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, cho biết, chi hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thông qua các cuộc họp bản và sinh hoạt chi hội lồng ghép để tuyên truyền.

Lúc đầu tuyên truyền, mình quyết liệt nhưng bà con quen phong tục nên hiệu quả cũng không cao; sau cùng với việc tuyên truyền vận động nhiều chúng tôi đưa vào nội dung quy ước, yêu cầu gia đình các hội viên cho ký cam kết nên bà con cũng nghe ra. Nhờ đó, nạn tảo hôn ở bản đã giảm đáng kể, cụ thể năm 2020 cả bản có 4 cặp đôi tảo hôn, đến năm 2023 chỉ còn 2 cặp tảo hôn, riêng năm 2024 này đến thời điểm hiện tại bản chưa có cặp đôi nào tảo hôn.

Hội phụ nữ Lai Châu tích cực tham gia phòng, chống tảo hôn ảnh 3
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Sìn Hồ tuyên truyền tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại xã Phìn Hồ.

Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo. Trước thực tế đó, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, trong đó phát huy vai trò của các cấp hội nhất là Hội phụ nữ đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Chị Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tam Đường nêu giải pháp, chúng tôi chỉ đạo phụ nữ các xã học tập giúp nhau thực hiện các mô hình phòng chống tảo hôn. Thí dụ như phụ nữ xã Khun Há thành lập được hai mô hình phòng chống tảo hôn và hiện tại phụ nữ huyện cũng làm hai mô hình. Từ đó chúng tôi chỉ đạo các xã, mỗi xã phải thành lập ít nhất một mô hình và tiến tới là nhân rộng mô hình ra các bản để chấm dứt tình trạng tảo hôn.

Hội phụ nữ Lai Châu tích cực tham gia phòng, chống tảo hôn ảnh 4
Cán bộ xã Làng Mô (huyện Sìn Hồ) tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến nhân dân bản Nhiều Sáng.

Song song với đó chúng tôi giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo. Rồi cho luân phiên chị em ở các bản có tảo hôn đi tham quan, giao lưu ở những bản, xã thuận lợi có điều kiện kinh tế khá để trao đổi và thay đổi nhận thức của chị em.

Từ đó chị em về tuyên truyền lại với gia đình, chị em khác trong bản. Làm liên tục và luân phiên như vậy nạn tảo hôn cũng giảm dần và tiến tới làm mạnh để chấm dứt tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện.

Tính riêng 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh Lai Châu vẫn có gần 200 cặp tảo hôn diễn ra chủ yếu ở các xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mặc dù con số này đã giảm mạnh so với trước đây, song để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, thì cũng cần phát kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới hóa giải được “lời ru buồn trên non cao” diễn ra từ bao đời nay.