Khai thác hiệu quả thư viện

Nguyễn Ánh Hiền
Sách không chỉ là kho tàng tri thức mà còn giúp mang lại nhiều lợi ích cho người đọc. Vì thế, Quân đội ta đã quan tâm tới việc trang bị sách, báo, tài liệu cho bộ đội từ rất sớm.

Tuy nhiên, trước yêu cầu huấn luyện ngày càng cao, nhiều hoạt động đan xen cùng sự phát triển của internet, thiết bị cầm tay nên việc đọc của bộ đội cũng bị ảnh hưởng phần nào. Trước thực tế đó, các đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ thư viện cần biết khai thác hiệu quả thư viện, giúp phát triển, nuôi dưỡng văn hóa đọc của bộ đội. Báo Quân đội nhân dân chia sẻ kinh nghiệm của một số đơn vị thuộc Quân khu 9.

Theo Thượng tá Nguyễn Thị Vân, Phó chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 9, đọc sách là hoạt động bổ ích, thiết thực để cán bộ, chiến sĩ tiếp cận thông tin, kiến thức, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh. Một trong những cách giúp bộ đội tiếp cận sách, dần hình thành thói quen đọc sách là chia sẻ những cuốn sách hay, kinh nghiệm đọc sách hiệu quả và xây dựng kế hoạch để khuyến khích mọi người đọc sách.

su-8-1693191709.png

Chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 tìm đọc sách tại thư viện của đơn vị.

Các đơn vị cần duy trì hiệu quả các mô hình: Tủ sách pháp luật, phòng Hồ Chí Minh, nhất là đa dạng hoạt động thư viện phục vụ nhu cầu đọc sách của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, xây dựng lộ trình, từng bước nâng tầm thư viện của đơn vị dần trở thành thư viện hiện đại, kiểu mẫu. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế phát triển hoạt động thư viện hiện nay.

Thượng tá Nguyễn Thị Vân chia sẻ: “Nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị chiếm thời lượng lớn, nặng nhọc nên bộ đội rất ít thời gian để tìm đọc sách. Do vậy, hoạt động thư viện cần áp dụng nhiều hình thức phục vụ, tuyên truyền để sách, báo đến với bộ đội nhanh nhất, cùng với đó phòng Hồ Chí Minh ở tiểu đoàn, tủ sách ở đại đội cần được phát triển đa dạng hơn nữa. Thực hiện nhiệm vụ này, Nhà văn hóa Quân khu 9 thường xuyên cập nhật, cấp mới các đầu sách cho đơn vị, làm phong phú thêm các lĩnh vực để bộ đội lựa chọn”.

Đặc thù của Lữ đoàn 962 là nhiều cán bộ, chiến sĩ trực sẵn sàng chiến đấu trên tàu. Vì vậy, bộ đội thường mượn sách, báo, tài liệu về đọc mỗi khi rảnh rỗi. Thời gian gần đây, để nâng cao nghiệp vụ thư viện cũng như đa dạng các đầu sách, Lữ đoàn phối hợp với Thư viện tỉnh An Giang trưng bày các loại sách mới và trao đổi nghiệp vụ để sách đến nhanh nhất, hiệu quả nhất với bạn đọc.

Theo đó, nhân những sự kiện chính trị trọng đại, đơn vị phối hợp với Thư viện tỉnh An Giang trưng bày sách theo chủ đề như: Cuộc đời sự nghiệp Bác Hồ, Bác Tôn; tuyên truyền biển, đảo... nhằm đa dạng các loại hình tiếp cận thông tin cho bộ đội. Qua sự phối hợp này, giúp Lữ đoàn học hỏi thêm kinh nghiệm trưng bày sách đẹp mắt, cách bố trí theo chủ đề và giới thiệu sách mới nhằm tạo hứng thú, tìm tòi đọc sách cho bộ đội.

Còn Thư viện Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 lại chú trọng tuyên truyền, giới thiệu sách bằng nhiều hình thức nhằm tạo ấn tượng ban đầu, kích thích hứng thú đọc sách cho bộ đội. Việc luân chuyển sách giữa các đơn vị được thực hiện thường xuyên; hướng dẫn các đơn vị sắp xếp theo lĩnh vực để bộ đội dễ tìm. Đồng thời, thông qua chương trình truyền thanh nội bộ, diễn đàn thanh niên, toạ đàm... đơn vị giới thiệu sách mới, bình sách; thành lập các tổ, câu lạc bộ những người ham đọc sách.

Thượng úy Lê Minh Tân, Chính trị viên phó Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 9, cho biết: “Từ các loại sách, báo được cung cấp giúp chúng tôi tiếp cận thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích phục vụ nhiệm vụ của đơn vị. Chúng tôi tìm hiểu sở thích của bộ đội để định hướng cho anh em nghiên cứu lĩnh vực mình quan tâm. Khơi gợi niềm đam mê bằng cách thu thập thông tin cơ bản, dự định tương lai và giới thiệu tên sách sắp ra để anh em tìm tòi nâng cao kiến thức cho bản thân. Đồng thời, tạo điều kiện thời gian cho bộ đội đọc sách, định hướng nội dung để anh em tiếp cận, tìm ý chính, trọng tâm để đọc”.

Còn Binh nhì Cao Tấn Thành, chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 4, Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 9, tâm sự: “Tôi thường đến thư viện vào thứ bảy để tìm đọc sách về lịch sử, thể thao. Sách về lịch sử giúp tôi biết về quá trình thành lập Đảng, Đoàn, truyền thống Quân đội...; giúp tôi hiểu được những cống hiến, hy sinh của cha anh đi trước. Từ đó, thấy rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc”.

Thiếu tá Đặng Quốc Toản, Trợ lý Chính trị Ban CHQS TP Trà Vinh, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách: “Trước khi đọc sách phải có kế hoạch cụ thể để tạo thói quen, tùy vào nhu cầu và thời gian rảnh, có thể đọc sách vào ngày nghỉ. Nếu bận rộn có thể mỗi ngày đọc 5-10 trang hay đọc sách trước khi đi ngủ. Đồng thời, phải tìm hiểu thông tin về cuốn sách như: Tác giả, nhà xuất bản, nội dung tóm tắt... để biết rõ đây có phải là cuốn sách mình đang tìm kiếm, có hợp với bản thân mình hay không. Ví dụ, khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, người yêu thơ thì tìm cách diễn đạt các sự vật, hiện tượng bằng thơ; có người tìm hiểu cuộc đời nàng Kiều; đời sống văn hóa, phong tục, tập quán, lễ nghi phong kiến; người thì tìm sự phê phán những định kiến, luật lệ đã áp bức người phụ nữ... Vì vậy, xác định rõ mục đích đọc sách là việc quan trọng đầu tiên đối với mỗi chúng ta”.

Bài và ảnh: HỮU TÀI

--------------

Quan tâm, đầu tư cho hoạt động của thư viện

Internet, mạng xã hội đã mang lại nhiều ưu thế như thông tin nhanh, kết nối bạn bè dễ dàng, tra cứu, tìm hiểu tư liệu thuận lợi, phong phú. Người dùng chỉ cần điện thoại thông minh ở đâu cũng có thể đọc, nghe, xem được. Những ưu thế đó ảnh hưởng đến trực tiếp thói quen đọc sách của mọi người trong xã hội cũng như quân nhân trong Quân đội.

Tuy nhiên, nó cũng dễ gây nhiều tác động tiêu cực như tiếp cận thông tin chưa được kiểm chứng, sử dụng nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc...

hai-quan-1693191739.png

Bộ đội đến Thư viện Lữ đoàn 125 đăng ký mượn sách. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Trước thực trạng trên, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân có nhiều biện pháp để khơi nguồn nét văn hóa đọc cho bộ đội. Cụ thể, Lữ đoàn 125 quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện, phòng Hồ Chí Minh. Ngoài bổ sung thêm nguồn tài liệu có chất lượng, phương pháp sắp xếp, lưu trữ tài liệu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, chiến sĩ tiếp cận sách, báo một cách dễ dàng, Lữ đoàn còn có sáng kiến sắp xếp các loại đầu sách, chủ đề sách trong thư viện.

Nhân dịp các ngày lễ, sự kiện, thư viện Lữ đoàn trưng bày theo dòng sự kiện; phát động phong trào đọc sách, trao đổi các vấn đề trong học tập, công tác, các vấn đề trong cuộc sống gắn với yêu cầu của công việc và nhu cầu tâm lý của cán bộ, chiến sĩ.

Đơn vị phát động phong trào đọc sách, mỗi tuần một cuốn sách trong toàn đơn vị. Vì thế, phong trào đọc sách được duy trì thường xuyên, thư viện đơn vị có nhiều đầu sách phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Sách của thư viện Lữ đoàn còn được luân chuyển đến các tàu để phục vụ cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ trên biển.

Đại úy QNCN NGUYỄN THỊ HẰNG, nhân viên Thư viện Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân

-------------

Đưa sách đến gần bộ đội hơn

Thực hiện quy định tại Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10-11-2020 của Bộ Quốc phòng về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Thư viện Quân đội bảo đảm 50% bằng hiện vật các sách về chính trị, pháp luật, quân sự, văn học, văn hóa, kỹ năng sống, hướng nghiệp... 50% còn lại do đơn vị tự bảo đảm theo nhu cầu đọc.

thu-vien-quan-doi-1693191766.png

Thư viện Quân đội tổ chức triển lãm sách, báo, tài liệu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", tháng 12-2022. Ảnh: HOÀNG HOÀNG

Qua thực tế nắm tình hình ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy, sách trong các thư viện của Quân đội quản lý được thẩm định chặt chẽ về nội dung, đúng tỷ lệ quy định, đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc sách của bộ đội, phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ nghiên cứu, học tập, công tác và nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đội ngũ cán bộ thư viện các đơn vị cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm khơi dậy, phát triển văn hóa đọc của bộ đội. Tuy nhiên, phong trào văn hóa đọc ở một số đơn vị còn thiếu thực chất; hình thức hoạt động chưa phong phú, chưa duy trì thành nền nếp thường xuyên.

Xuất phát từ thực tế ở cơ sở là thời lượng, cường độ huấn luyện cao, nhiều hoạt động đan xen nên bộ đội ít có thời gian lên thư viện, đến phòng Hồ Chí Minh đọc sách, nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo để đưa sách đến gần bộ đội hơn như: Bố trí giá sách, báo, tạp chí ở phòng cắt tóc phục vụ bộ đội trong lúc chờ đợi; phục vụ sách lưu động, luân chuyển sách đến thao trường; xây dựng các video clip, truyền thanh nội bộ giới thiệu sách mới, sách hay; đưa việc tìm hiểu sách và đọc sách gắn với các ngày lễ, sự kiện quan trọng.

Hay như ở một số đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân (Vùng 5, Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Lữ đoàn 126 Đặc công hải quân, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển) đã tự nghiên cứu, viết phần mềm, sử dụng mã QR để đội ngũ sĩ quan, QNCN có thể tìm kiếm, đọc sách mọi lúc mọi nơi. Đây là những cách làm hay để các đơn vị nghiên cứu, áp dụng giúp bộ đội tiếp cận sách, tài liệu thuận tiện, dễ dàng hơn.

Thượng tá MẠC THÙY DƯƠNG, Giám đốc Thư viện Quân đội

-----------------

Vài góp ý nâng cao hiệu quả đọc sách, báo ở đơn vị

Đọc sách, báo, tài liệu là một hoạt động thường xuyên của đơn vị, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và khả năng tư duy của mỗi quân nhân. Tùy điều kiện cụ thể mà mỗi đơn vị bố trí thời gian phù hợp. Thông thường ở đơn vị chúng tôi, hoạt động này diễn ra vào giờ nghỉ, ngày nghỉ và được nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia.

Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển mạnh mẽ của internet nên việc nghiên cứu sách, báo, tư liệu đã có sự giảm sút đáng kể, nhiều thời điểm thư viện hầu như không có người tham gia.

Đối với cán bộ, QNCN, việc tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận lợi là sử dụng điện thoại thông minh; còn chiến sĩ sử dụng máy tính truy cập internet được bố trí ở thư viện hoặc câu lạc bộ quân nhân nếu có điều kiện. Có nhiều nguyên nhân tác động làm cho việc đọc sách, báo, tài liệu của cán bộ, chiến sĩ chưa nhiều như cường độ hoạt động quân sự cao, công việc hành chính đan xen, cùng với đó là các loại hình sách, báo chưa tạo được sự hấp dẫn đối với bộ đội.

Theo tôi, để động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ hứng thú với việc đọc sách, báo cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, giá trị của việc nghiên cứu tri thức thông qua sách vở, tư liệu. Phát huy thế mạnh của các thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị Quân đội đó là bố trí các loại sách, báo chuyên sâu về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, những loại sách, truyện gần gũi với đời sống của bộ đội.

Bên cạnh đó, những tài liệu quân sự mang tính chất thông tin, phổ biến rộng rãi cần đưa đến gần hơn đơn vị cơ sở thông qua tủ sách pháp luật cấp đại đội, cặp báo thao trường cấp trung đội để khơi dậy, khích lệ sự ham muốn học hỏi, tìm đọc của bộ đội. Ngoài ra, đối với đội ngũ cán bộ đơn vị, khi huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, cần nghiên cứu, tìm hiểu đưa những tư liệu, dẫn chứng vào giáo án, vừa làm sinh động bài giảng và dẫn dắt người học tìm hiểu thêm những kiến thức ngoài bài giảng thông qua việc đọc sách, báo, tài liệu.

Thiếu tá NGUYỄN VĂN PHÚ, Chính trị viên Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3