Năm 2024, Chương trình Chống lao quốc gia đã đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay với số bệnh nhân lao được phát hiện hơn 113.000 ca (tăng 7% so với năm 2023). Ngoài ra, tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân đạt 89% (cao hơn tỷ lệ này trên toàn cầu - mức 88%). Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề.
![]() |
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hằng năm. Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.
Cũng theo ước tính của Chương trình Chống lao quốc gia, còn khoảng 40% người bệnh lao ở cộng đồng chưa được phát hiện. Số người mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng.
Đề cập đến những khó khăn trong việc kiểm soát bệnh lao tại nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện chủ động trong nhóm nguy cơ cao chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học vẫn thấp hơn chỉ tiêu mong muốn. “Nguồn lực tài chính, đặc biệt từ ngân sách quốc tế đang có xu hướng giảm dần; việc đảm bảo thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn gặp khó khăn do thủ tục phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát hiện và điều trị bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu khó khăn.
![]() |
Khám, điều trị người mắc bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Tại buổi lễ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thẳng thắn thừa nhận, kiểm soát bệnh lao ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do các nguồn đầu tư tài trợ cho kiểm soát lao về nhân lực, hệ thống, tài chính… còn rất khó khăn, nhất là tài trợ của WHO, các tổ chức toàn cầu đang bị giảm dần, thậm chí có thể chấm dứt không còn.
Bác sĩ Đinh Văn Lượng đề xuất, đưa chương trình đào tạo về bệnh lao là một phần nội dung bắt buộc trong các trường đào tạo nhân lực y khoa để các thầy thuốc có sẵn kiến thức về bệnh lao trong quá trình hành nghề. Khi cấp giấy phép hành nghề/chứng chỉ hành nghề, cần có nội dung về kiến thức, quy trình khám phát hiện lao để các bác sĩ có đủ kiến thức thực hiện sàng lọc lao cho tất cả người dân đến khám bệnh.
Để ngăn chặn nguồn lây bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng, theo vị chuyên gia này, ngành y tế cần mở rộng, tăng cường khám phát hiện chủ động bệnh lao gắn liền với y tế cơ sở trên toàn quốc. Các cơ sở y tế phải sàng lọc lao lồng ghép trong khám, chữa bệnh thường quy. Vận động chính sách để yêu cầu việc sàng lọc bệnh lao phải là một cấu phần bắt buộc của khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Tất cả người dân được kiểm soát bệnh lao bằng hồ sơ điện tử, bệnh án điện tử.