Không gian Trúc Lâm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh HT) |
Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, xen giữa những khoảng vườn lớn và các công trình kiến trúc truyền thống của nhiều dân tộc, không gian Trúc Lâm mang dáng vẻ một quán nước nhỏ ôm lấy gốc đa di sản, gợi nhớ hình ảnh thân thuộc về làng quê Việt Nam xưa với cây đa, giếng nước, sân đình. Ðây là dự án được tạo dựng với chức năng vừa phục vụ khách tham quan; vừa là nơi trưng bày, giảng dạy và thực hành nghề thủ công lâu đời của Việt Nam.
Ngay trong tháng 8 vừa qua, không gian này đã liên tiếp nhận giải thưởng kiến trúc quốc tế, đó là giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) tại International Architecture Awards (IAA) 2024 do Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế Chicago (Mỹ) phối hợp Trung tâm Thiết kế kiến trúc và Nghiên cứu đô thị châu Âu tổ chức và giải thưởng Kiến trúc xanh (Green Good Design) - một trong những giải thưởng uy tín trên thế giới về lĩnh vực thiết kế xanh.
Nếu giải thưởng của Honorable Mention cho thấy ưu thế về tính sáng tạo và ảnh hưởng văn hóa, thì Green Good Design lại thể hiện điểm cộng về thiết kế bền vững. Cả hai giải thưởng đã khẳng định những ưu điểm của không gian Trúc Lâm và là minh chứng cho sự kết hợp khéo léo giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong bảo tồn văn hóa. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam |
Kiến trúc sư Vũ Xuân Sơn, người tham gia thiết kế không gian Trúc Lâm cho biết, hoạt động cải tạo công trình được thực hiện dựa trên các tiêu chí: bảo tồn tối đa, tối ưu công năng, thân thiện môi trường, phù hợp bối cảnh. Cùng với đó, các không gian được mở rộng nhiều hướng, tạo sự tiếp cận đa chiều, đan xen với các cây xanh hiện hữu giúp tăng gấp đôi diện tích sử dụng so với hiện trạng. Toàn bộ vật liệu sử dụng cho dự án là vật liệu tự nhiên và vật liệu nhẹ có khả năng tái sử dụng cao như: Ðất, tre, thép, kính.
Bên cạnh dấu ấn về thiết kế kiến trúc, không gian Trúc Lâm còn gây ấn tượng với nội thất trưng bày gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật quý như: Tượng voi bằng gỗ trầm hương, tượng đầu Phật, tượng gỗ gợi nhắc tượng nhà mồ Tây Nguyên...
Theo bà Vũ Liên, Phó Giám đốc Công ty Thủ công Trúc Lâm, nhiều tác phẩm trong đó được sưu tầm từ dân gian, đó là những vật phẩm văn hóa dân tộc lâu đời, mang những nét đặc sắc phong tục riêng của các vùng miền Việt Nam. Trong số này, bộ sưu tập thổ cẩm quý có tuổi đời hàng trăm năm của người Thái ở Nghệ An được các chuyên gia Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thẩm định, đánh giá rất cao.
Không gian Trúc Lâm với thiết kế đan cài yếu tố truyền thống và đương đại cũng được thực hiện trên cơ sở mong muốn khách được trải nghiệm không gian văn hóa liền mạch, không bị ngắt quãng. Sự sắp đặt có chủ ý các tác phẩm nghệ thuật trong không gian rộng rãi, thoáng mát còn giúp không gian Trúc Lâm gia tăng tính linh hoạt, có thể dễ dàng thay đổi theo các chủ đề triển lãm, trưng bày khác nhau. Ðiều này cũng giúp kết nối nghệ nhân, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tới gần hơn với du khách.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, không giấu nổi niềm vui, sự xúc động: “Hiện tại, các bảo tàng thường ít chú ý đến không gian nghỉ ngơi, thư giãn, trong khi du khách rất cần điều này. Bản thân tôi đã nhìn thấy, ngay như các không gian cà-phê, ăn trưa ở các bảo tàng châu Âu hay tại Mỹ, có cái bình dân, có cái sang trọng, nhưng đều hướng tới kết nối với nội dung bảo tàng. Không gian Trúc Lâm đã làm được như thế. Tôi mong nó sẽ là hình mẫu cho các bảo tàng trong nước tới đây”.
ÐẮC LINH