Mặc dù là ngân hàng sữa mẹ vệ tinh nhưng điều đó đã minh chứng cho nỗ lực của tỉnh Quảng Trị, góp phần thực hiện mục tiêu của Bộ Y tế bảo đảm dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ.
Bác sĩ Phan Xuân Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Sữa mẹ là liều thuốc điều trị với trẻ sinh non hoặc bệnh lý, giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng và thời gian nằm viện của trẻ. Tuy nhiên, không phải mọi trẻ em khi sinh ra đều có thể bú mẹ trực tiếp do trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có mẹ bị bệnh. Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh được đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị sẽ kết nối với Ngân hàng sữa mẹ TP Đà Nẵng để có thể cung cấp nguồn sữa mẹ thanh trùng cho 500 trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý mỗi tháng, đặc biệt là nhóm trẻ dân tộc thiểu số tại đơn vị tỉnh.
Bác sĩ hướng dẫn mẹ cho bé ăn sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Ảnh do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cung cấp |
Chúng tôi mong muốn cứu sống trẻ sinh non nhờ ngân hàng sữa mẹ”. Việc vận hành ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị sẽ mang đến nguồn sữa mẹ thanh trùng tốt nhất cho trẻ sinh non, trẻ bệnh lý và trẻ sơ sinh chưa có đủ nguồn sữa từ mẹ ruột. Từ đó, sản phụ và người thân trong gia đình cũng yên tâm khi trẻ được tiếp cận nguồn dinh dưỡng tối ưu, góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tác động tích cực tới sức khỏe của trẻ.
Một số nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu sống hơn 4.000 trẻ mỗi năm, đóng góp đáng kể vào sự phát triển dinh dưỡng, miễn dịch và cảm xúc của trẻ. Nhưng mỗi năm, Việt Nam vẫn còn lượng lớn sữa mẹ bị lãng phí vì người mẹ không được hỗ trợ thích đáng để có thể tự tin nuôi con bằng sữa mẹ. Ông Roger Mathisen, Giám đốc Alive & Thrive (sáng kiến toàn cầu nhằm cứu sống, ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sự phát triển khỏe mạnh của bà mẹ và trẻ em) khu vực Đông Á-Thái Bình Dương khẳng định, rất cần sự chung tay của cả xã hội để mọi trẻ em đều được dùng sữa mẹ.
“10 năm qua, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng gấp đôi, nhưng cũng chỉ mới đạt mức 45%. Nghĩa là một nửa trẻ em sinh ra ở Việt Nam không được nuôi dưỡng và lớn lên bằng sữa mẹ. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong một giờ đồng hồ đầu sau sinh và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng tuổi chỉ đạt 19%... Do vậy, cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ chính sách thai sản, sự hỗ trợ của gia đình, nơi làm việc và các cơ sở y tế để người mẹ có kiến thức, kỹ năng và điều kiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ”, ông Roger Mathisen chia sẻ.
Hệ thống gần 40 bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc tại Việt Nam do Chính phủ Ireland và Bộ Y tế hỗ trợ thông qua Sáng kiến Alive & Thrive đang bảo đảm dịch vụ chăm sóc sơ sinh tốt nhất cho hơn 200.000 bà mẹ và trẻ em hằng năm. 7 ngân hàng sữa mẹ trên cả nước đang mang lại nguồn sữa mẹ thanh trùng an toàn cho trẻ em và đã có 6.000 bà mẹ hiến tặng sữa, cung cấp cho 70.000 trẻ sơ sinh trên cả nước.
AN AN