Ngành giáo dục chung tay khắc phục hậu quả cơn bão Yagi

Tran Huy
Cơn bão Yagi và hoàn lưu bão đã để lại ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Toàn ngành giáo dục đang chung tay, góp sức, đồng lòng khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra để sớm ổn định việc học tập, thực hiện nhiệm vụ năm học.

Triệu trái tim hướng về các tỉnh lũ lụt

Những ngày này, cả gia đình chị Nguyễn Minh Phương (Ba Đình, Hà Nội) tất bật với việc chuẩn bị đồ dùng, kêu gọi tài trợ cho người dân vùng lũ lụt các tỉnh miền núi phía Bắc. Hai vợ chồng chị tập kết hàng hóa, liên hệ với đơn vị vận chuyển, còn hai con nhỏ nhiệt tình cùng ông bà làm ruốc bông, muối vừng... để gửi cho các bạn vùng lũ. "Thông qua hoạt động này, tôi mong có thể hỗ trợ một phần giúp bà con vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Thông qua đó, tôi cũng muốn giáo dục các con tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, chị Minh Phương chia sẻ. 

Ngành giáo dục chung tay khắc phục hậu quả cơn bão Yagi
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thăm Trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Không riêng gia đình chị Minh Phương, rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng như trên cả nước đã kêu gọi ủng hộ người dân vùng lũ lụt. Tại Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội), chỉ sau ít giờ phát động quyên góp, phụ huynh và học sinh của trường đã liên tục gửi ủng hộ qua các thầy cô chủ nhiệm. Trong đó, nhiều học sinh đã bớt tiền quà, lấy mừng tuổi, tiền tiết kiệm để ủng hộ những người dân gặp khó khăn trong cơn bão Yagi vừa qua.

Nhận định cơn bão Yagi gây nhiều thiệt hại cho toàn ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đề nghị các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tuyên truyền về việc hỗ trợ, đóng góp, kể cả với học sinh. Theo Bộ trưởng, dẫu các em ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất cần thiết, bởi đó là tinh thần giáo dục, tinh thần sẻ chia... Các hoạt động hỗ trợ có thể gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam hoặc trực tiếp tới địa phương, trường học, gia đình các giáo viên, học sinh chịu thiệt thòi do bão lũ gây ra.

Trước đó, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi, bước đầu tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết).

Giúp học trò sớm ổn định tâm lí trở lại trường

Tính đến ngày 16-9, có 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào thứ hai.

Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).

Ngành giáo dục chung tay khắc phục hậu quả cơn bão Yagi

Trường mầm non Tú Xuyên, huyện Văn Quan, Lạng Sơn đón học sinh trở lại trường sau cơn bão Yagi (bão số 3).

Tại tỉnh Lạng Sơn, theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện có hơn 12.454 hộ dân bị ảnh hưởng sau bão, trong đó, 22 hộ bị sập nhà cửa hoàn toàn, nhiều hộ dân bị hư hỏng tài sản, gây thiệt hại lớn. Toàn tỉnh có 3 người tử vong, 10 người bị thương. Toàn tỉnh và ngành giáo dục nhanh chóng ổn định về cơ sở vật chất, đảm bảo việc dạy và học, với tinh thần trường nào đảm bảo an toàn thì cho học sinh đến trường học. Những nơi chưa đảm bảo an toàn cho việc đến trường, các em được sắp xếp để học online hoặc nghỉ học.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường bị ảnh hưởng sau lũ khẩn trương dọn dẹp cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi; chỉ đạo giáo viên các trường không bị ảnh hưởng tham gia hỗ trợ các trường bị ảnh hưởng trong công tác dọn dẹp để nhanh chóng đưa các trường trở lại dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo đúng kế hoạch.

Phòng GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường rà soát toàn bộ số lượng học sinh tại các trường bị thiệt hại do lũ gây ra, thiếu sách vở, đồ dùng học tập. Từ đó, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quyên góp, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, cặp sách… cho các em. Đồng thời phát động quyên góp trong toàn ngành giáo dục để hỗ trợ về đồ dùng học tập, kinh phí để giúp các em mua quần áo", ông Hiền thông tin.

Về kế hoạch giảng dạy, Trưởng phòng GD&ĐT Ngô Văn Hiền cho biết, với các trường bị ngập lụt, học sinh không thể đến trường, sẽ xây dựng, điều chỉnh kế hoạch cho học bù. Đồng thời, triển khai việc đưa học sinh đến các trường ở xã lân cận để học tập trong bối cảnh nước lũ chưa rút, học sinh chưa đến trường.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai kêu gọi sự kết nối, hỗ trợ để học sinh và nhà trường. "Về lương thực, thực phẩm cơ bản đủ hết tháng, chúng tôi đang cần các dụng cụ phục vụ cuộc sống, sách vở đồ dùng học tập", bà Thúy chia sẻ.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn ngành giáo dục đang tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn để đảm bảo hoạt động dạy và học sớm trở lại bình thường.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích do bão số 3 và hoàn lưu bão. Đối với những gia đình giáo viên và học sinh có người tử vong, mất tích hoặc bị thương, tiếp tục triển khai mức hỗ trợ tài chính tùy theo mức độ thiệt hại. Giáo viên tử vong được hỗ trợ 30 triệu đồng/gia đình, học sinh và trẻ mầm non tử vong nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình.

Bài, ảnh: TƯỜNG MINH