Nhận biết sớm khối thoát vị bẹn ở trẻ

Tran Huy
Bệnh nhi mới sinh vừa được các bác sĩ giải cứu buồng trứng trái chui xuống bẹn thông qua lỗ khuyết của thành bụng. Nếu chậm trễ đi khám và xử trí, bé gái sẽ có nguy cơ phải cắt bỏ buồng trứng.
Các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhi.
Các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhi.

Vừa chào đời, bé gái N.TT có biểu hiện quấy khóc dữ dội, vùng bẹn phồng to bằng quả trứng cút. Khoảng 8 giờ tối ngày 25/12, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám. Bác sĩ siêu âm thấy vùng bẹn bên trái bất thường do nội tạng thoát xuống. Phần nội tạng thoát qua lỗ của thành bụng chui vào ống bẹn được xác định là buồng trứng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, các mạch máu nuôi dưỡng buồng trứng bị chèn ép, nguy cơ hoại tử do thiếu máu nuôi. Bé gái được phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm với mục tiêu cứu nguy cho buồng trứng.

Sau 10 phút phẫu thuật, ê-kíp đã đưa buồng trứng về đúng vị trí, khâu lại túi thừa nhằm ngăn nội tạng tiếp tục chui xuống. Sau mổ, bé gái hồng hào, hồi phục tốt, hết đau bụng, quấy khóc, được xuất viện sau 3 ngày phẫu thuật.

Bác sĩ Đỗ Trọng cho biết, trường hợp bệnh nhi nếu chậm trễ đi khám, buồng trứng nguy cơ phải cắt bỏ do hoại tử, ảnh hưởng đến tương lai sinh sản.

Theo bác sĩ Trọng, trẻ sơ sinh có thể gặp các tình trạng thoát vị rốn, thoát vị hoành, thoát vị bẹn… Trong đó, thoát vị bẹn là nguyên nhân phổ biến gây ra khối phồng ở vùng bẹn, tỷ lệ mắc khoảng 0,8-4,4%. Tình trạng buồng trứng nghẹt đã được báo cáo chiếm khoảng 43% trường hợp.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây thoát vị bẹn là do những bất thường trong quá trình hình thành bào thai ở tuần 8-12. Lúc này một “đường hầm” gọi là ống phúc tinh mạc (trẻ trai) hoặc ống Nuck (trẻ gái) không đóng lại hoàn toàn, tạo thành một điểm yếu trên thành bụng, khiến tạng chui qua được.

Thoát vị bẹn gặp ở hai giới, song bé trai chiếm đến 90% trường hợp theo mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Một số trường hợp nhẹ không cần can thiệp, có thể thoái triển tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nặng dễ bị thắt nghẹt và gây teo tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép.

Bác sĩ Trọng cho hay, ở bé gái, nếu thoát vị bẹn chứa buồng trứng ít có khả năng thoái triển tự nhiên, nguy cơ bị tắc nghẽn cao hơn vì kích thước lớn.

Các cha mẹ có thể nhận biết bệnh nếu quan sát vùng kín có khối phồng bất thường. Khối này to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn; có thể xẹp đi khi trẻ nằm nghỉ ngơi. Một số trẻ khó chịu, quấy khóc, đau bụng, bỏ bú, nôn; nặng hơn có thể gây sốt kéo dài.

"Khối thoát vị có thể nhầm lẫn với tình trạng sưng hạch bẹn sau tiêm phòng, nhiều phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đi khám. Do đó, khi có khối phồng bất thường ở vùng bẹn, phụ huynh nên cho trẻ đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ siêu âm đánh giá và có hướng xử trí phù hợp", bác sĩ Trọng khuyến cáo.

MẠNH TRẦN