Khám bệnh mắt cho trẻ em tại Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: CÔNG LÝ) |
Theo TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Thông tư số 57/2024/TT-BYT là một bước triển khai thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; đồng thời quán triệt thực hiện đầy đủ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 1/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như triển khai thực hiện các phương án phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo đó, phân cấp thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh từ Bộ Y tế về sở y tế các tỉnh, thành phố đối với cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, từ việc cấp mới đến cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm việc tại các bệnh viện tư nhân.
Điều chỉnh giấy phép hoạt động do thay đổi quy mô hoạt động cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý đối với các trường hợp điều chỉnh quy mô không quá 100 giường bệnh. Bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật không thuộc danh mục kỹ thuật loại đặc biệt; cấp, cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý; đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề làm việc tại các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý.
Đối với các thủ tục hành chính tiếp tục thực hiện tại Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ cũng phân cấp thẩm quyền từ lãnh đạo bộ cho đến lãnh đạo các đơn vị có liên quan, đó là cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi, thừa nhận giấy phép hành nghề cho các chức danh chuyên môn (trừ các chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền) thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế; thành lập đoàn thẩm định cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; cho phép tổ chức đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, khám bệnh, chữa bệnh lưu động; người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng giao cho Cục quản lý Khám chữa bệnh quyết định thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa đối với cơ sở y tế; xác định kỹ thuật mới, phương pháp mới; thí điểm áp dụng, chính thức áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới; thực hiện việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng là đầu mối thực hiện đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện thông qua việc cấp mới, cấp lại, bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá, chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Thông tư có hiệu lực sẽ góp phần giảm khoảng 70% số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh nộp về Bộ Y tế, được chuyển về thực hiện tại sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giảm khoảng 80% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với hiện nay... |
Thông tư có hiệu lực sẽ góp phần giảm khoảng 70% số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh nộp về Bộ Y tế, được chuyển về thực hiện tại sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giảm khoảng 80% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với hiện nay trên cơ sở phân cấp thẩm quyền ban hành kết quả thủ tục hành chính từ lãnh đạo bộ cho đến lãnh đạo các đơn vị có liên quan.
TS Hà Anh Đức cho biết: Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong năm 2025. Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tập trung, ưu tiên nguồn lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp: Tiếp tục quán triệt lãnh đạo, công chức của đơn vị phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính được Bộ Y tế giao.
Tập trung, ưu tiên thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về phân cấp trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; trong đó có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, áp dụng các quy trình chuẩn (ISO), hoàn thiện thêm các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Một nội dung quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của công chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian. Định kỳ có đánh giá, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Kịp thời biểu dương đơn vị, cá nhân thực hiện tốt trong tổ chức, triển khai nhiệm vụ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm.