Pháp luật và cuộc sống: Nguy hiểm từ việc “độ” đèn ô tô

Tran Huy
Thời gian qua, tình trạng xe ô tô “độ” đèn (lắp đặt các loại đèn không đúng thiết kế với cường độ sáng vượt tiêu chuẩn) lưu thông trên đường diễn ra khá phổ biến. Việc “độ” đèn xe diễn ra với nhiều hình thức, phổ biến nhất là “độ” đèn pha siêu sáng.

Buổi tối, mỗi khi những chiếc xe này giương đèn pha thì người và các phương tiện đi ngược chiều gần như bị “mù” vì lóa mắt, rất dễ gây ra tai nạn. Cùng với “độ” đèn pha, nhiều tài xế còn lắp đèn LED siêu sáng ở phía sau xe, mỗi khi đạp phanh, đèn sáng bất ngờ chiếu thẳng vào mắt khiến người đi sau không kịp xử lý. Có tài xế còn lắp đèn LED siêu sáng nhiều màu quanh thùng xe, khi lưu thông trên đường vào ban đêm, chiếc xe trông như một căn nhà di động, người tham gia giao thông rất khó phán đoán...

Chưa có con số thống kê chính xác nhưng thực tế cho thấy, việc “độ” đèn là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông vào ban đêm, khiến dư luận bức xúc.

Pháp luật và cuộc sống: Nguy hiểm từ việc “độ” đèn ô tô
Ảnh minh họa: baonghean.vn

Tại khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ: Nghiêm cấm “lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng”. Vì vậy, dưới góc nhìn pháp lý, việc “độ” đèn siêu sáng, lắp thêm đèn sai thiết kế là hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng cần phải nói thêm, hiện nay, theo Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 21-3-2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12-8-2021 thì đối với đèn chiếu sáng phía trước, chủ phương tiện không nhất thiết phải lắp đèn đúng chủng loại, nguyên bản mà có thể lắp các loại đèn khác phù hợp, nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế của nhà sản xuất về cường độ sáng, hình dạng chùm sáng, đường ranh giới tối sáng... Đây là một điểm mở của thông tư nhằm tạo thuận lợi cho chủ phương tiện, nhất là với các loại xe khó tìm đèn nguyên bản thay thế, chứ không phải như nhiều người nghĩ là pháp luật đã cho “độ” đèn xe.

Về mức xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển xe ô tô “độ” đèn, theo khoản 3 Điều 16 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì nếu người điều khiển phương tiện “lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe” sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ phương tiện còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Theo các cơ quan chức năng, sở dĩ tình trạng “độ” đèn ô tô còn diễn ra khá phổ biến trước hết là do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, cần phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người hiểu rằng, việc chấp hành pháp luật nói chung, không “độ” đèn xe nói riêng là nhằm bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Cùng với đó, hiện nay, chế tài xử phạt hành vi này còn nhẹ, vì vậy thời gian tới cần tăng mức xử phạt nhằm tạo sức răn đe.

TRUNG HIẾU