Quân sự thế giới hôm nay (16-5): Nga đánh chặn hàng loạt tên lửa của Ukraine

Tran Huy
Quân sự thế giới hôm nay (16-5) có những nội dung sau: Nga đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân ATACMS của Ukraine nhằm vào Crimea, Không quân Mỹ triển khai UAS trinh sát ULTRA tại UAE, Naval Group ra mắt tàu ngầm SMX-31 tại DSA 2024.

* Nga đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Ukraine nhằm vào Crimea

Ngày 15-5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắn hạ 10 tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của quân đội Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea.

Quân sự thế giới hôm nay (16-5): Nga đánh chặn hàng loạt tên lửa của Ukraine

Tên lửa ACTAMS được phóng trong một cuộc thử nghiệm ở Hàn Quốc. Ảnh: The Guardian

Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết, các đơn vị phòng không đã bắn hạ một loạt các tên lửa của Ukraine trên Biển Đen và gần căn cứ không quân Belbek. Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng các mảnh tên lửa bị bắn hạ đã rơi xuống khu dân cư tuy không gây thương vong nhưng các quả đạn con từ đầu đạn chùm rơi xuống đất có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố, trong các cuộc tấn công khác của Ukraine, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 9 máy bay không người lái, 2 tên lửa Vilha, 2 tên lửa chống radar HARM và 2 quả bom dẫn đường Hammer trên vùng Belgorod ngày 15-5. Thống đốc Belgorod Vuacheslav Gladkov cho biết 2 người ở làng Dubovoye bị thương do tên lửa khiến nhà của họ bị cháy.

Giới chức Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin này.

ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Với tầm bắn hơn 300km, tên lửa này có thể tấn công mọi mục tiêu nằm trong các phần lãnh thổ của Ukraine.

ATACMS có chiều dài 4m, đường kính 61cm và trọng lượng hơn 1,6 tấn. Tên lửa này có thể bay ở tốc độ lên tới 1km/s, trần bay khoảng 50km. Điểm nổi bật của ATACMS là tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp quán tính và định vị vệ tinh GPS, do đó sai số của nó rất nhỏ, dù tấn công mục tiêu tầm xa. Ngoài khả năng mang đầu đạn thông thường, ATACMS còn có thể mang đầu đạn hạt nhân nhằm tạo đòn tấn công hủy diệt. Nhờ thiết kế dạng mô-đun đặt trong ống phóng kín, tên lửa ATACMS có thể được phóng bằng hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 hoặc pháo phản lực cơ động cao HIMARS.

* Không quân Mỹ triển khai hệ thống máy bay không người lái (UAS) trinh sát ULTRA tại UAE

Mới đây, Lực lượng Không quân Mỹ đã triển khai máy bay trinh sát chiến thuật không người lái có độ bền cao (ULTRA) tại căn cứ không quân Al Dhafra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Được biết, mỗi chiếc UAS ULTRA có giá khoảng 8 triệu USD và Không quân Mỹ có kế hoạch mua và vận hành ít nhất 4 chiếc UAS này trong năm 2025.

Quân sự thế giới hôm nay (16-5): Nga đánh chặn hàng loạt tên lửa của Ukraine
Mỗi chiếc ULTRA trị giá khoảng 8 triệu USD và Lực lượng Không quân Mỹ có kế hoạch mua thêm ít nhất 4 chiếc nữa trong năm 2025. Ảnh: US DoD

Việc triển khai nền tảng UAS này là một phần của dự án trị giá 30 triệu USD nhằm kiểm chứng khả năng giám sát liên tục trong thời gian dài của ULTRA. Là sản phẩm hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới Nhanh (CRI) thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) và Tập đoàn Công nghệ Dzyne, ULTRA là một hệ thống máy bay không người lái (UAS) được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) với chi phí sản xuất và bảo trì thấp hơn so với các hệ thống khác cùng loại.

ULTRA bắt đầu tiến hành các chuyến bay thử nghiệm từ năm 2019. Những cuộc thử nghiệm này đã xác nhận khả năng hoạt động liên tục trong vòng 2 ngày rưỡi của máy bay. Kể từ đó, nền tảng UAS này đã trải qua những cải tiến sâu hơn và đã được triển khai hoạt động ở nhiều khu vực, trong đó có Trung Đông, nơi ULTRA có thể hỗ trợ các hoạt động giám sát, trinh sát của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) từ căn cứ không quân Al Dhafra ở UAE.

Dựa trên thiết kế của tàu lượn động cơ Stemme S12 và được sửa đổi bằng bộ tăng áp để bay ở độ cao lớn, ULTRA có thiết kế đôi cánh dài, đuôi hình chữ T và càng đáp có thể thu vào. Cấu hình này góp phần mang lại hiệu quả khí động học cao và khả năng hoạt động liên tục của máy bay. Bên cạnh đó, UAS này còn được lắp đặt cảm biến quang điện/hồng ngoại (EO/IR) bên dưới thân, ngay phía trước cánh cung cấp khả năng giám sát 360 độ, cùng hệ thống giám sát điện tử và radar khẩu độ tổng hợp (SAR).

Đáng chú ý, sau nhiều lần cải tiến, ULTRA hiện có thể bay liên tục trong hơn 80 giờ, vượt xa nhiều nền tảng UAS hiện có. Thời gian bay kéo dài cho phép thực hiện các nhiệm vụ giám sát, trinh sát tại những khu vực quan trọng mà không cần phải quay lại căn cứ nhiều lần.

* Naval Group ra mắt tàu ngầm SMX-31 tại DSA 2024

Tại Triển lãm và Hội nghị Dịch vụ Quốc phòng châu Á (DSA 2024) diễn ra ở Malaysia, nhà thầu quốc phòng Pháp Naval Group đã trình làng mẫu tàu ngầm SMX-31 cải tiến.

Quân sự thế giới hôm nay (16-5): Nga đánh chặn hàng loạt tên lửa của Ukraine
Mô hình tàu ngầm SMX-31 được trưng bày tại DSA 2024. Ảnh: Navy Registration

Lần đầu ra mắt tại triển lãm Euronaval 2018, SMX-1 là ý tưởng tàu ngầm tương lai của Pháp, được thiết kế tập trung vào khả năng tàng hình và tự động hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của các kịch bản chiến tranh trên biển trong tương lai.

Với thiết kế đặc biệt mô phỏng đặc điểm sinh học của cá nhà táng, SMX-31 được tăng cường khả năng tàng hình, cũng như giảm thiểu tín hiệu sóng âm. SMX-31 có chiều dài 70m, chiều rộng 13,8m và lượng giãn nước 3.400 tấn. Sử dụng 2 động cơ điện, tàu có thể di chuyển với tốc độ tối đa khoảng 37km/giờ, lặn ở độ sâu 250m và có thể hoạt động dưới nước trong vòng 30-45 ngày.

SMX-31 có thể mang nhiều loại vũ khí hạng nặng, bao gồm ngư lôi và tên lửa hành trình. Bên cạnh đó, tàu còn có khả năng mang theo máy bay không người lái (UAV), các tàu lặn không người lái (UUV), các phương tiện tự hành dưới nước (AUV) để xâm nhập các khu vực ven bờ.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)