* Lockheed Martin trình làng tên lửa hành trình có tầm bắn cực xa
Mới đây, Tập đoàn Mỹ Lockheed Martin đã tiết lộ phiên bản mới nhất của tên lửa hành trình AGM-158 JASSM, được gọi là JASSM XR (eXtreme Range).
Nếu nguyên mẫu tên lửa hiện tại vẫn giữ nguyên đầu đạn WDU-42/B nặng 450kg, JASSM XR có khả năng đạt được tầm bắn vượt 2.000km, gấp đôi cự ly tác chiến của các phiên bản trước đó. Ảnh: Lockheed Martin |
Tên lửa này được thiết kế để duy trì khả năng tàng hình và tấn công chính xác trong khi vẫn cung cấp tầm bắn vượt trội so với phiên bản JASSM-ER hiện tại.
Tính đến nay, AGM-158 JASSM có ba phiên bản: AGM-158A JASSM (phiên bản không đối đất cơ bản); AGM-158B JASSM-ER (phiên bản không đối đất tầm xa) và AGM-158C LRASM (phiên bản chống hạm tầm xa), một biến thể có thể triển khai trong các hoạt động không đối hạm hoặc hạm đối hạm thông qua các ống phóng thẳng đứng Mk 41 VLS.
Theo nhà sản xuất, biến thể JASSM XR được phát triển nhằm mục đích mở rộng tầm bắn, giúp thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào các mục tiêu quan trọng của đối phương.
So với biến thể JASSM-ER, JASSM XR vẫn giữ nguyên đầu đạn nặng khoảng 450kg nhưng có một số thay đổi về cấu trúc. Tên lửa dài hơn, cho phép mang nhiều nhiên liệu hơn, do đó tăng tầm bắn. Bên cạnh đó, tên lửa cũng có một số cải tiến khác, như sử dụng hợp kim nhẹ hơn, cải thiện khí động học, thiết kế lại cấu trúc, cánh lái được sửa đổi hoặc hệ thống đẩy hiệu quả hơn. Dù có nhiều cải tiến, JASSM XR vẫn duy trì đặc tính tàng hình và độ chính xác của nó. Tầm bắn mở rộng cho phép JASSM XR được triển khai để tấn công các mục tiêu xa hơn trong khi vẫn nằm ngoài tầm với của hệ thống phòng không của đối phương.
Nếu nguyên mẫu tên lửa hiện tại vẫn giữ nguyên đầu đạn WDU-42/B nặng 450kg, JASSM XR có khả năng đạt được tầm bắn trên 2.000km, gấp đôi cự ly tác chiến của các mẫu trước đó. Tên lửa JASSM thế hệ trước có tầm bắn dao động từ 360-926km, tùy theo phiên bản sửa đổi.
* Không quân Ấn Độ sẽ nhận máy bay chiến đấu Tejas Mk 1A vào tháng tới
Theo Financial Express, Không quân Ấn Độ (IAF) sẽ nhận máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Tejas Mk 1A vào tháng tới. Đợt giao hàng này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc củng cố đội máy bay chiến đấu của IAF.
Biến thể Mk 1A được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AESA Uttam, có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc, với phạm vi quét hơn 200km. Ảnh: Indian Air Force |
Tejas Mk 1A, phiên bản nâng cấp của LCA Mk 1, có các tính năng hiện đại và hiệu suất được cải thiện. Hiện tại, máy bay đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng sau khi hoàn tất các sửa đổi đối với phần mềm.
Đợt giao hàng đầu tiên gồm máy bay được trang bị động cơ loại B, đã được sử dụng trước đó hoặc được mua theo các thỏa thuận trước đó với General Electric cho dòng Tejas. Động cơ mới General Electric F404-IN20, một yếu tố quan trọng để máy bay đạt được hiệu suất tối ưu, dự kiến sẽ được giao vào tháng 11. Công ty HAL (Hindustan Aeronautics Limited) sẽ nhận được 2 động cơ GE-F404 mỗi tháng bắt đầu từ tháng 11, dựa trên các cam kết gần đây với General Electric.
Tejas là máy bay chiến đấu đa năng, siêu thanh, hạng nhẹ, nổi tiếng với sự nhanh nhẹn. Đây là loại nhỏ nhất và nhẹ nhất trong các loại máy bay chiến đấu siêu thanh đương đại có độ linh hoạt trên không rất cao và giúp nó rất hiệu quả trong không chiến, có thể tiến hành các nhiệm vụ trên biển xa, kể cả tấn công các căn cứ hải quân và không quân ven bờ của đối phương.
Biến thể Mk 1A được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) Uttam, có khả năng theo dõi 16 mục tiêu cùng lúc ở các chế độ không đối không, không đối đất và không đối hạm, với phạm vi quét hơn 200km. Ngoài tấn công mục tiêu từ xa và tránh bị radar phát hiện, máy bay còn có khả năng tiếp liệu trên không, tấn công bằng tên lửa ngoài tầm nhìn (BVR), tác chiến điện tử (EW) và gây nhiễu đối phương.
* Nga tích hợp UAV trinh sát Karakurt vào thiết bị chiến đấu Legionnaire
Tập đoàn Kalashnikov, nhà cung cấp thiết bị quân sự chính cho Lực lượng vũ trang Nga, đã công bố việc tích hợp máy bay không người lái (UAV) Karakurt vào thiết bị chiến đấu Legionnaire thế hệ thứ ba, hiện đang được phát triển. Nền tảng không người lái này hiện đang được thử nghiệm tại Ukraine.
Karakurt là UAV trinh sát mini do Nga thiết kế để thực hiện nhiệm vụ giám sát trên không. Ảnh: Rostec |
Theo nhà sản xuất, các đặc điểm kỹ-chiến thuật của UAV Karakurt giúp tăng cường đáng kể nhận thức tình huống trên chiến trường, cho phép đưa ra quyết định nhanh chóng trong các tình huống chiến đấu.
Karakurt là máy bay không người lái trinh sát nhỏ được thiết kế để giám sát trên không, có khả năng truyền dữ liệu theo thời gian thực. Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của nó là khả năng cơ động và khả năng phóng từ không gian hạn chế bằng cách sử dụng hộp chứa vận chuyển và ống phóng nhỏ gọn. Nền tảng này còn có thể được phóng bằng tay. Tính năng này khiến Karakurt đặc biệt hữu ích cho các hoạt động thực địa, nơi tốc độ và khả năng cơ động là rất quan trọng.
Alan Lushnikov, Chủ tịch JSC Concern Kalashnikov, cho biết, việc tích hợp máy bay không người lái này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trinh sát của quân đội và cung cấp thêm khả năng bảo vệ bổ sung trong chiến đấu.
Ngoài khả năng trinh sát thời gian thực, Karakurt còn có khả năng phóng linh hoạt và tương thích với các hệ thống liên lạc hiện có. Hiệu suất và khả năng cơ động của UAV Karakurt đáp ứng nhu cầu hiện tại của ngành quốc phòng Nga, đặc biệt là trong các tình huống chiến đấu khó khăn.
QUỲNH OANH (tổng hợp)