* Ấn Độ hiện đại hóa xe tăng T-72 cho mục đích xuất khẩu
Ấn Độ đã lên kế hoạch hiện đại hóa xe tăng T-72 có nguồn gốc từ Nga với mục đích xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đặc biệt nhắm đến những người mua tiềm năng ở Châu Phi, Trung Đông và Đông Á. Kế hoạch kép dài tuổi thọ của xe tăng T-72 này sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia kỹ thuật của Ấn Độ và Nga.
Hiện tại, Quân đội Ấn Độ đang sở hữu khoảng 2.500 xe tăng T-72, vốn là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội nước này kể từ khi được đưa vào sử dụng vào những năm 1970. Nhu cầu về mẫu xe tăng này hiện vẫn rất lớn, đặc biệt là từ các quốc gia ở Châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua T-72 khi Ấn Độ dần thay thế chúng bằng các mẫu xe tiên tiến hơn.
Ấn Độ hiện đại hóa xe tăng T-72 cho mục đích xuất khẩu. Ảnh: Flickr Channel Cell105 |
Việc sản xuất xe tăng T-72 ở Ấn Độ bắt đầu vào những năm 1980 tại Nhà máy Xe hạng nặng ở Avadi, gần Chennai. Nhà máy từng sản suất xe tăng T-90 này tới đây cũng sẽ được sử để thực hiện kế hoạch hiện đại hóa xe tăng T-72 cho mục đích xuất khẩu.
Dù đã cũ, nhưng T-72 vẫn được đánh giá cao về độ tin cậy và bền bỉ. Mẫu xe tăng chiến đấu này được trang bị pháo chính 125mm, súng phòng không và súng máy. Xe có thể đạt tốc độ 60km/giờ trên đường bộ và 35km/giờ trên địa hình gồ ghề, và có khả năng lội qua những chỗ nước sâu tới 1,2m.
Ngoài T-72, Quân đội Ấn Độ còn vận hành khoảng 1.000 xe tăng T-90 và khoảng 100 chiếc Arjun bản địa. Bất chấp nỗ lực hiện đại hóa, T-72 vẫn là phương tiện có số lượng nhất trong kho vũ khí của Quân đội Ấn Độ.
Nếu sáng kiến này thành công, Ấn Độ có thể khám phá tiềm năng xuất khẩu các loại xe quân sự khác có nguồn gốc từ Nga, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh BMP-2, cũng đang có kế hoạch nâng cấp. Việc hiện đại hóa T-72 để xuất khẩu có thể là cơ hội mới để Ấn Độ mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường quốc phòng toàn cầu, cung cấp các giải pháp tiết kiệm chi phí cho các quốc gia đang cần xe bọc thép đáng tin cậy.
* UAV tấn công Shahed-236 lần đầu xuất hiện tại Nga
Army Recogition dẫn thông tin từ Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga cho biết, máy bay không người lái (UAV) tấn công Shahed-236 của Iran, được trang bị hệ thống dẫn đường quang học, đã được ra mắt tại Nga, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác giữa Nga và Iran về công nghệ UAV.
Theo đó, trong chuyến thăm Trung tâm Công nghệ đặc biệt ở St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được giới thiệu những phát triển mới và các hệ thống không người lái hiện có do Nga sản xuất, chẳng hạn như Zala Lancet và Orlan-10. Đặc biệt, đoạn phim của RIA Novosti có ghi lại hình ảnh một chiếc UAV Shahed-236 màu đen có thiết kế tương tự như UAV tấn công Shahed-136 nổi tiếng, nhưng phần mũi được trang bị thêm một hệ thống quang học cho phép tìm kiếm mục tiêu tự động đồng thời cung cấp cho người vận hành tùy chọn dẫn đường thủ công cho UAV.
Shahed-236 có thiết kế tương tự như UAV tấn công Shahed-136 nổi tiếng, nhưng phần mũi được trang bị thêm một hệ thống quang học. |
Các nguồn tin cho biết, các đặc điểm kỹ thuật chính của UAV mới này vẫn tương tự như phiên bản tiền nhiệm Shahed-136. Shahed-236 dài 3,5m và sải cánh 3m, trọng lượng cất cánh 250kg, mang đầu đạn nặng tới 50kg. Được trang bị động cơ đốt trong dẫn động cánh quạt, UAV này có thể bay trong phạm vi 2.000km, bay cao khoảng 4,5km, thời gian bay 12 giờ, tốc độ hành trình 170km/giờ.
Vào đầu năm, Militarnyi đã công bố một bản phân tích quy mô lớn về các tập tin bị rò rỉ liên quan đến chuyển giao công nghệ và thương mại UAV giữa Nga và Iran. Tài liệu cũng tiết lộ ý định nội địa hóa việc sản xuất một sản phẩm mới tại Nga.
Các tài liệu rò rỉ cho biết, Shahed-236 có khả năng thực hiện các chuyến bay đêm và bắn trúng mục tiêu đã định trước với độ chính xác từ 3 đến 5m. Tài liệu cũng tiết lộ, giá trị ước tính mỗi chiếc Shahed-236 là vào khoảng 900.000 USD, cao hơn đáng kể so với mức 193.000 USD được trả cho Shahed-136 vào năm 2022.
* Italy chuẩn bị chuyển giao hệ thống phòng không SAMP/T cho Ukraine
Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani mới đây cho biết, cuối tháng 9, quốc gia này sẽ gửi một hệ thống tên lửa phòng không SAMP/T khác đến Ukraine để bảo vệ bệnh viện và trường học.
Trước đó vào tháng 6, Italy đã hứa sẽ gửi một hệ thống SAMP/T khác, hệ thống phòng không duy nhất do châu Âu sản xuất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, cho Kyiv.
Được biết đến là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất ở châu Âu, hệ thống SAMP/T là “đứa con chung” của Pháp và Italy. Hệ thống tinh vi này sử dụng tên lửa Aster 30 và được thiết kế để bảo vệ các địa điểm quan trọng khỏi nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay và UAV.
Điều khiến SAMP/T nối bật là tính cơ động của nó, cho phép triển khai nhanh chóng trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau. Hệ thống này có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 100km và ở độ cao lên tới 25km.
SAMP/T nối bật bởi tính cơ động, cho phép triển khai nhanh chóng trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau. Ảnh: Getty Images |
Bên cạnh SAMP/T, Italy còn cung cấp cho Ukraine các thiết bị phòng thủ bổ sung, bao gồm xe bọc thép hạng nhẹ, tên lửa chống tăng và hệ thống tác chiến điện tử. Chính phủ nước này nhấn mạnh rằng tất cả các vũ khí này chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
Vào đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã thông báo, Lực lượng vũ trang Italy đã đặt thêm 10 hệ thống phòng không SAMP/T. Động thái quan trọng này nhấn mạnh quyết tâm của Italy trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của chính mình.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)