Quy định về hoạt động quảng cáo trên mạng có gì mới?

Tran Huy
Sáng 24/9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nội dung cơ bản của Dự án Luật Dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.

Trong đó, đối với chính sách 1 “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”, Dự án Luật sửa đổi 4 điều, bổ sung 2 điều và 1 khoản.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tài sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 về trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo.

Sửa đổi, bổ sung Điều 19 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận; phân định nội dung quảng cáo.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 20 về điều kiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định.

Bổ sung Điều 15a quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các trách nhiệm như: Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu...

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng có trách nhiệm như: Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Bổ sung Điều 19a quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt: mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, thiết bị y tế, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Bổ sung khoản la vào Điều 18 quy định về việc sử dụng Từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo phải bảo đảm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt.

Đối với chính sách 2 “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”, Dự án Luật sửa đổi 3 điều, bổ sung 1 khoản.

Cụ thể: Sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in tại Điều 21: Diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình (Điều 22) về: Tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền; trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động.

Sửa đổi, bổ sung Điều 23 Quy định về quảng cáo trên mạng gồm một số quy định cơ bản: Quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ; giải phải pháp kỹ thuật kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật trên hệ thống cung cấp dịch vụ; chế độ báo cáo định kỳ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng.

Quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm: Trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo vi phạm pháp luật; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu...

Quy định rõ về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 5), Thường trực Ủy ban nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung, phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương trong thực hiện quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến an ninh mạng, an ninh trật tự xã hội.

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), Thường trực Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Về những quy định cụ thể, Thường trực Ủy ban có một số ý kiến như sau: Điều 15a dự thảo Luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo; dự thảo Luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.

Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng. Đồng thời, tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Về quảng cáo trên mạng (khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), Thường trực Ủy ban tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng.

Đồng thời, đề nghị làm rõ một số vấn đề sau đây: Thứ nhất, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Thứ hai, thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 6 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn.

Thứ ba, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp.

Quỳnh Nga