Quang cảnh Hội nghị
Chiều 17/01/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk được xây dựng dựa trên những lợi thế về vị trí địa lý, tự nhiên, con người của thủ phủ Tây Nguyên, nhằm cụ thể hóa chủ trương hành động của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam hình thành đồng bộ hệ thống các quy hoạch bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia 6 vùng và các quy hoạch tỉnh. Để quy hoạch phát huy được giá trị trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Đắk Lắk và các địa phương rà soát lại quy hoạch vùng Tây Nguyên, để từ đó nhìn thấy vị trí trung tâm tỉnh Đắk Lắk trong mối liên kết các tiểu vùng Tây Nguyên với các khu vực Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, các nước khu vực Đông Nam Á.
Ông Phạm Ngọc nghị - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, kết quả phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay, đồng thời bám sát các Nghị quyết, định hướng, chỉ đạo mới của Trung ương, quy định cấp quốc gia để tích hợp theo hướng thống nhất, đồng bộ. Đây sẽ là những cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc mở ra nhiều cơ hội, triển vọng mới cho sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.
Quan điểm phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung, thu hút, huy động nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, tập trung vào bốn trụ cột tăng trưởng. Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk, quy mô hơn 13 nghìn km2, gồm 15 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện.
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm thời kỳ 2021-2030 là 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng/người; giảm tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) hằng năm từ 1,5-2%; giảm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 3-4%/năm; tăng tỷ lệ Trường đạt chuẩn quốc gia đạt 70%; có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-44%; dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước sạch đạt 65%...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ của quy hoạch. Trước hết, tỉnh Đắk Lắk xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đào tạo, thu hút nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại liên kết với các vùng, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; tập trung phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.