Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương (áo trắng) cùng tham gia trải nghiệm với người cao tuổi. |
Ngày 12/9, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức chương trình “Lưu giữ ký ức”, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống bệnh Alzheimer với sự tham gia của nhiều người cao tuổi.
Chia sẻ thông tin về bệnh sa sút trí tuệ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, phần lớn cộng đồng coi sa sút trí tuệ (phổ biến là bệnh alzheimer) là lão hóa tự nhiên. Thực tế, đây là bệnh nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của gia đình, vì bệnh có những diễn biến đặc biệt nghiêm trọng nếu ở giai đoạn cuối. Bệnh đang đặt ra nhiều thách thức cấp bách với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
"Bệnh có nhiều triệu chứng, với nhiều thể bệnh khác nhau dần dần gây tàn phế, gây gánh nặng lớn cho người bệnh, cho gia đình, cho an sinh xã hội. Hiện nay chúng ta mới chỉ có thuốc điều trị triệu chứng, và thuốc nhằm thay đổi bệnh nhưng chưa có hiệu quả", Phó Giáo sư Nguyễn Trung Anh nói.
Tại Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, sa sút trí tuệ đang đặt ra nhiều thách thức to lớn. Có khoảng 5% người cao tuổi tại Việt Nam bị mắc bệnh sa sút trí tuệ, nhưng chỉ có khoảng 1% trong số này được quản lý và khám, điều trị. Bệnh viện Lão khoa Trung ương hiện đang quản lý khoảng 400-500 bệnh nhân sa sút trí tuệ được bảo hiểm y tế chi trả. Ngoài ra, số bệnh nhân đến khám không theo diện bảo hiểm cũng ngày càng tăng lên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám. Số người được khám sớm, phát hiện sớm rất hạn chế.
Người cao tuổi tham gia chương trình. |
Bệnh viện Lão khoa Trung ương hiện đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu sa sút trí tuệ. Đây là nơi mà người bệnh nghi ngờ sẽ được định hướng chiến lược điều trị lâu dài hiệu quả, có biện pháp điều trị hiệu quả. Đồng thời, Trung tâm cũng tham mưu cho Ban lãnh đạo bệnh viện xây dựng chương trình hành động bệnh alzheimer một cách hiệu quả.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số bệnh nhân đến khám theo chương trình quản lý chính thức của bệnh viện tăng gấp 2-3 lần.
Theo ông Trung Anh, muốn chăm sóc tốt và hiệu quả cho người bệnh alzheimer, gia đình cần phải dành tình yêu thương lớn vì quá trình chăm sóc này gian khổ, kéo dài, có thể làm người chăm sóc bị trầm cảm, chịu áp lực lớn. Vì thế, người chăm sóc cũng cần được hỗ trợ.
"Với áp lực hiện nay, nhiều sang chấn tinh thần, bệnh alzheimer có xu hướng trẻ hóa. Nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh có yếu tố gia đình lớn nên cần chẩn đoán sớm ở đối tượng nguy cơ. Hiện nay, với sự trẻ hóa, bệnh sẽ đối mặt với thời gian dài sống chung với bệnh nên cần chẩn đoán, can thiệp sớm rất quan trọng", ông Trung Anh khuyến cáo.
Tại chương trình, ông Phạm Văn Hùng cũng đã chia sẻ về người vợ may mắc bệnh sa sút trí tuệ nhiều năm trước. Ông Hùng tâm sự, người bạn đời 50 năm của mình dần có tính nết khác đi và phải khéo léo mới chăm sóc tốt được.
"Quan trọng nhất phải có tình yêu thương với người thân của mình. Hằng ngày, tôi phải tạo niềm vui, gia đình luôn tiếng cười để vợ tôi quên mình là người bị bệnh. Thỉnh thoảng tôi làm thơ tặng vợ", ông Hùng cười tâm sự, rồi đọc bài thơ tặng người vợ tào khang.
Ông Phạm Văn Hùng chia sẻ về cách chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. |
Những người cao tuổi cũng được trải nghiệm các hoạt động nặn tò he, tham gia các hoạt động trải nghiệm khác; được khám sàng lọc miễn phí bệnh sa sút trí tuệ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, trong tương lai, chúng ta có thể tiếp cận biện pháp tiên tiến như hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh sớm; một số thuốc điều trị hiệu quả vẫn đang được nghiên cứu.
Tuy nhiên, hiện nay, về cơ bản, bệnh cần phải chăm sóc tích cực, toàn diện, chi tiết. Theo đó, cộng đồng nói chung, người bệnh và gia đình người bệnh cần phải nhận thức sớm, đi khám để được chẩn đoán sớm.
Ông Trung Anh cũng mong các hoạt động cộng đồng sẽ nâng cao hiểu biết, thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi trong việc bảo vệ trí nhớ, khuyến khích người cao tuổi đi khám, chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ.