![]() |
Phun thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại lúa. (Ảnh: TTXVN) |
Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ non gây hại diện hẹp trên trà lúa sớm, chính vụ. Sâu non đục thân hai chấm gây hại dảnh héo trên lúa sớm.
Tại các tỉnh Trung Bộ, bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, gây hại trên lúa trà muộn đẻ nhánh, đứng cái tại các tỉnh trong vùng. Trong đó, gây hại nặng trên các giống nhiễm như: NA6, TBR225, AC5, BC15, BTE1, P6, hương ưu 98,... gieo cấy tại vùng bãi ngang đất cát ven biển, ven sông, vùng trung du, miền núi, vùng thiếu nước, các chân ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Bệnh khô vằn khả năng phát sinh gây hại tăng trên lúa làm đòng tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, lúa trà sớm tại Hà Tĩnh, Nghệ An…
Đối với các loại cây trồng khác, sâu keo mùa thu, sâu ăn lá, bệnh đốm lá,…tiếp tục gây hại trên cây ngô giai đoạn phát triển thân lá, xoáy nõn; mức độ hại phổ biến từ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Sâu đục thân đục bắp, bệnh gỉ sắt, bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại trên ngô giai đoạn trổ cờ-thâm râu. Trên cây hồ tiêu, cà-phê, sầu riêng, thanh long,… sinh vật hại tiếp tục phát sinh và có khả năng gia tăng diện tích nhiễm.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình sinh vật gây hại chính trong thời kỳ xung yếu trên các cây trồng chủ lực ở địa phương để chủ động các biện pháp phòng, chống kịp thời. Giám sát chặt chẽ diễn biến phát sinh và gây hại của bệnh đạo ôn lá, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi và trên các giống nhiễm để hạn chế lây lan.
Các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh và chủ động biện pháp phòng, chống các đối tượng sinh vật gây hại chính như: bệnh chết chậm hại trên cây hồ tiêu; rệp, bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt trên cây cà-phê; bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại trên cây điều; bệnh nứt, thân xì mủ trên cây sầu riêng, bệnh đốm nâu hại thanh long…