Sớm giải quyết vấn đề nợ lương tại Trường đại học Quảng Bình

Tran Huy
Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm của tỉnh Quảng Bình nhưng nhiều năm gần đây, Trường đại học Quảng Bình luôn rơi vào cảnh thừa thầy, thiếu lớp, vắng sinh viên. Hàng trăm giảng viên, nhân viên bị nợ lương trong nhiều tháng liền.
Trường đại học Quảng Bình. (Ảnh THANH HIẾU)
Trường đại học Quảng Bình. (Ảnh THANH HIẾU)

Trường đại học Quảng Bình được thành lập theo Quyết định số 237/QÐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Sau những năm đầu phát triển với nhiều ngành đào tạo và số lượng tuyển sinh cao, thời gian gần đây, Trường đại học Quảng Bình không tuyển đủ sinh viên và rơi vào khó khăn do mất cân đối thu-chi.

Từ chỗ trường có 21 ngành đào tạo, cao điểm quy mô đạt gần 10 nghìn sinh viên, đến nay trường chỉ còn 16 ngành đào tạo đại học và 3 ngành cao đẳng với quy mô hơn 1.000 sinh viên.

Trong khi tuyển sinh, không đủ chỉ tiêu, thì các trung tâm đào tạo của trường còn hạn chế trong hợp tác, liên kết đào tạo để mở rộng nguồn tuyển sinh và quy mô đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, nguồn thu của trường không được bảo đảm, việc chi trả lương, các chế độ liên quan đến người lao động chưa thực hiện theo quy định.

Ðến khoảng giữa tháng 1/2024, có 136 viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách của Trường đại học Quảng Bình chưa được nhận lương từ 2 đến 7,5 tháng. Cùng với lương, các khoản chi trả khác như thanh toán tiền thừa giờ, thi đua khen thưởng của giảng viên, nhân viên cũng đang bị nợ.

Ðáng chú ý, cuối tháng 12/2023, tại cuộc họp với Ban Chấp hành Công đoàn trường, Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Nguyễn Ðức Vượng thông báo, từ tháng 1 đến tháng 3/2024, trường tiếp tục không có nguồn để chi trả tiền lương cho 136 viên chức và lao động hợp đồng.

Nhận thông tin, nhiều giảng viên, nhân viên nhà trường càng thêm buồn và bức xúc. Nhiều giảng viên, nhân viên phản ánh, họ đều là trụ cột chính trong gia đình, tiền lương từ nhà trường là nguồn thu chính để trang trải cho cuộc sống gia đình. Suốt thời gian qua, do không có tiền lương, mất nguồn thu nhập nên họ phải chạy vạy nhiều cách để duy trì cuộc sống, bí bách nhất là những gia đình mà hai vợ chồng cùng công tác tại trường và đều bị nợ lương.

Tại phiên họp của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình ngày 2/1, Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình Nguyễn Ðức Vượng cho biết, để tháo gỡ khó khăn, trường đã xây dựng đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, nỗ lực tuyển sinh… Tuy nhiên đến thời điểm này, trường không còn khả năng để trả lương mà chỉ có thể đủ nguồn đóng bảo hiểm xã hội cho viên chức, người lao động và mong muốn tỉnh, các ngành liên quan quan tâm, có biện pháp hỗ trợ.

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã đề nghị Ban cán sự đảng và lãnh đạo UBND tỉnh nghiên cứu, khẩn trương tìm giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Trường đại học Quảng Bình; nhất là về công tác bảo đảm tài chính để chi trả lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giảng viên, người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đề nghị Trường đại học Quảng Bình cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học để tạo nguồn thu bảo đảm cho hoạt động. Trường cần sớm rà soát, xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từng bước thực hiện bảo đảm lộ trình tự chủ tài chính.

Chiều 10/1, chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng của tỉnh và Trường đại học Quảng Bình. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Trường đại học Quảng Bình tạm khoanh số nợ ít nhất là 7,5 tỷ đồng tiền lương của giảng viên, nhân viên trong tám tháng qua; chỉ đạo các ngành liên quan dự kiến cho trường ứng trước khoảng 2,5 tỷ đồng kinh phí bồi dưỡng giáo viên phổ thông năm 2024 để tạm chi trả cho người lao động trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Ngành chức năng tạo điều kiện, ưu tiên cho trường thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để mang lại nguồn thu nhất định.

Cùng với đó, trường rà soát lại cơ sở vật chất để cho thuê phục vụ các hoạt động thể-mỹ của cộng đồng, vừa hạn chế sự xuống cấp, vừa tạo nguồn thu cho nhà trường.

Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: "Phát triển Trường đại học Quảng Bình trở thành trung tâm đào tạo nhiều cấp, đa ngành có uy tín và chất lượng; xem xét thành lập trường THPT, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trực thuộc trường". Do vậy, tỉnh Quảng Bình sớm xem xét cho phép Trường đại học Quảng Bình xây dựng đề án mô hình trường THPT nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, tận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất như trường học, khu thực hành, khu giáo dục thể chất đã được đầu tư xây dựng. Ðiều này góp phần giảm áp lực chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Ðồng Hới hằng năm, đồng thời qua đó tạo nguồn thu để giải quyết các chế độ, chính sách cho giảng viên và người lao động.