Đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu viên tham dự hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nêu rõ: Hội thảo “Những phát hiện mới về Khảo cổ học” là hoạt động khoa học hằng năm của ngành Khảo cổ học, là sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Khảo cổ học nước nhà hơn nửa thế kỷ qua. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi thông tin, tranh luận học thuật, mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Ông mong muốn Hội thảo sẽ làm rõ hơn những mảnh ghép còn thiếu trong lịch sử dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Trong phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học cho biết, một đặc điểm nổi bật của hoạt động Khảo cổ học thời gian qua là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và địa phương, thể hiện qua sự thành công của các dự án khai quật, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa ở nhiều địa phương trong cả nước.
Một năm qua, ngành Khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của các cộng đồng dân cư cổ trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học phát biểu đề dẫn |
Hội thảo đã nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Nghiên cứu viên cao cấp, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học trình bày báo cáo “Hoạt động Khảo cổ học Việt Nam hai năm 2023-2024”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm cho biết, Hội thảo lần này nhận được 383 bài tham luận, trong đó có 7 bài về các hoạt động chung, 36 bài về Khảo cổ học Tiền sử, 63 bài Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm, 221 bài Khảo cổ học Lịch sử, 50 bài Khảo cổ học Champa - Oc Eo và 6 bài Khảo cổ học Dưới nước với hàng trăm cuộc thăm dò, khai quật trên khắp cả nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Nghiên cứu viên cao cấp, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học trình bày báo cáo “Hoạt động Khảo cổ học Việt Nam hai năm 2023 – 2024”. |
Ông Liêm cho biết thêm, tại Cụm Di chỉ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội (cuộc khai quật trên diện tích 6.000m2) đã cung cấp thêm nhiều tư liệu mới trong nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc nước ta. Khu mộ táng có niên đại kéo dài từ thời giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của Văn hóa Đông Sơn cùng những dấu tích của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn. Cụm di chỉ này được phát hiện từ năm 1969 và đã qua 11 lần khai quật.
Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị thành phố và các bộ, ngành liên quan cho bảo tồn 6.000 m2 phía Đông di tích làm Công viên Di sản văn hóa và khai quật di dời diện tích 6.000 m2 phía Tây di tích để giải phóng mặt bằng xây dựng đường Vành đai 3.5. Phương án được thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận.
Trong đợt khai quật lần thứ 11 vào giữa năm 2024, đã có 60 hố được “mở”, mỗi hố diện tích 100 m². Tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật Điện Kính Thiên, làm xuất lộ thêm những di tích kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long từ thời Nguyễn đến thời Lê Trung Hưng,…
Hội thảo Thông báo Khảo cổ học toàn quốc diễn ra trong hai ngày 14, 15/11/2024 |
Hội thảo Thông báo Khảo cổ học toàn quốc diễn ra trong hai ngày 14, 15/11/2024 với nhiều phiên báo cáo và thảo luận tại các tiểu ban.