Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Trần Hải) |
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp này nhằm đánh giá lại tình hình quý III, nhìn lại 9 tháng qua, đồng thời chuẩn bị tình hình cho quý IV/2024. Chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2024, được xác định là năm tăng tốc, bứt phá trong năm kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, năm nay lại gặp nhiều khó khăn.
Bối cảnh tình hình thế giới có mấy yếu tố nổi lên: tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nổi lên là cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi làm cho giá vàng, dầu thô, cước vận tải biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư phục hồi chậm; các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế lớn nhưng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Trong nước tiếp tục chịu tác động từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài do độ mở cao của nền kinh tế, những yếu tố nội tại kéo dài do cơ cấu về kinh tế, dự án thua lỗ kéo dài, liên quan đất đai…; trong quá trình chuyển đổi, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn do vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa mở rộng. Đặc biệt, cơn bão số 3 gây hậu quả nặng nề tại các địa phương phía bắc, làm nhiều người chết, bị thương và mất tích, thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân, ước thiệt hại hơn 81 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục các khó khăn, tranh thủ các thời cơ, thuận lợi, phát huy tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; 9 tháng năm 2024 tốt hơn 9 tháng năm 2023. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được phục hồi mạnh; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được bảo đảm; phản ứng chính sách và hành động của các cấp, các ngành, địa phương là điểm sáng trong quý này, nhất là phản ứng và phục hồi nhanh sau bão lũ.
Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất tích cực, chỉ đạo quyết liệt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao, y tế, giáo dục được quan tâm phát triển, có nhiều kết quả tốt; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Trong khó khăn, "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", "tương thân, tương ái" được thể hiện rõ; độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, chúng ta không thể lơ là, chủ quan, còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trong đó: tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn rủi ro; bão số 3 ảnh hưởng nặng nề, nhiều địa phương phía bắc đang phải tập trung khắc phục, bộ phận đời sống nhân dân còn khó khăn do hậu quả bão lũ; vấn đề cải cách hành chính còn rào cản cần nhìn thẳng vào sự thật.
Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra cho tháng 10 và quý IV/2024 rất nặng nề, do đó cần phát huy những thành tích, điểm mạnh, tranh thủ thời cơ, thuận lợi bên ngoài, ví dụ các nước đang nới lỏng chính sách tiền tệ, tranh thủ các thị trường để đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh thế giới còn khó khăn; liên quan giải ngân vốn đầu tư công cần tích cực hơn nữa; khắc phục cơn bão số 3; vấn đề nội tại như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan thể chế, nhất là thể chế cho huy động nguồn lực trong xã hội, nhân dân.
Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Lưu ý thời gian có hạn, nội dung nhiều, yêu cầu cao, do đó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tích cực đóng góp ý kiến đưa ra giải pháp, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng. Chúng ta phải nắm bắt sát tình hình, đánh giá cụ thể, chính xác, từ đó phản ứng chính sách nhanh kịp thời, nhanh, hiệu quả, bảo đảm sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, nhất là các cú sốc do thiên tai gây ra.
Thủ tướng mong các các địa biểu đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để thời gian tới tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện đời sống nhân dân…
* Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2024 ước tính tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm trước; GDP chín tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%).
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Trong tháng 9, cả nước có 11,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 16,3% so với tháng trước và giảm 5 % so với cùng kỳ năm trước; gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% và tăng 11,6%; 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,6% và tăng 2,6%; 7.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 43,6% và tăng 40,5%; có 1.605 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,7% và tăng 26,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 9 ước đạt 535,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).
Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước chủ chốt tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2024 theo giá hiện hành ước đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7 % so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam chín tháng năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024.
Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2024, kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,1% so với quý II/2024.
Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 sơ bộ xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD)…