Lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và đại biểu đối thoại tại Hội thảo. |
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được và tìm hiểu nguyên nhân những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chuyển đổi số hiện nay của tỉnh Tuyên Quang và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đối với từng mảng hạ tầng, kinh tế, xã hội số.
Tại tỉnh Tuyên Quang công tác chuyển đổi số luôn được quan tâm hàng đầu. Năm 2022, chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố và tăng 10 bậc so với năm 2021 (trong đó, chính quyền số xếp thứ 47/63, kinh tế số xếp thứ 54/63 và xã hội số xếp thứ 19/63).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện tăng cường hạ tầng số và đổi mới sáng tạo ứng dụng số để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Đánh giá những kết quả đã đạt được và tìm hiểu nguyên nhân những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chuyển đổi số hiện nay của tỉnh và cả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp. Đồng thời, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đối với từng mảng hạ tầng, kinh tế, xã hội số…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Trên cơ sở kinh nghiệm phát triển hạ tầng số, ứng dụng số trong phát triển kinh tế số của các địa phương đã triển khai, để khắc phục những tồn tại, vướng mắc đồng thời phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại chiến lược hạ tầng số, kinh tế số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung ban hành sớm kế hoạch thực hiện Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ giải pháp nhằm tăng cường phát triển hạ tầng số của tỉnh (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số phục vụ công tác chuyển đổi số, đáp ứng các yêu cầu thực tế; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kỹ năng số, đổi mới sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số của tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng.
Đại biểu tham quan các mô hình chuyển đổi số. |
Mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp nền tảng số, ứng dụng số, giải pháp số để tỉnh có bước phát triển đột phá về chuyển đổi số cũng như đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thực hiện hiệu quả mục tiêu Chính phủ đã đề ra tại Chiến lược hạ tầng số, phát triển kinh tế số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội và là cơ hội để tỉnh Tuyên Quang bứt phá, Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% và đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP); từng bước nâng thứ hạng của Tuyên Quang trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) hàng năm; phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp hạng khá, đến năm 2030 là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền núi phía bắc.