Tỷ lệ nam giới trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc lá vẫn còn cao. |
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm từ 13 đến 17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; ở nhóm 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (2014) xuống còn 1,9% (2022).
Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023).
Với việc thực thi các giải pháp bảo đảm môi trường không khói thuốc mà tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỉ lệ hút thuốc lá làm giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm chi phí điều trị cho các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm. Chi phí này lớn hơn rất nhiều so với kinh phí do Quỹ hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong toàn quốc.
Tuy vậy, theo đánh giá, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.
Chính vì vậy, thuế thuốc lá được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn người trẻ bắt đầu hút thuốc và giúp người đang hút thuốc cai thuốc.