Lấy máu xét nghiệm cho người đang điều trị thuốc ARV. |
Tiếp tục huy động nguồn ngân sách địa phương
Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần, thời gian qua, Bộ Y tế đã có phương án gì để bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Bộ Y tế, bên cạnh tiếp tục vận động, huy động các nguồn tài chính quốc tế, Bộ Y tế tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong nước quan trọng bao gồm ngân sách địa phương, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách Trung ương, thu phí dịch vụ và huy động khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa. Đến nay các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 45%.
Để tiếp tục tăng tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước, Bộ Y tế tiếp tục tập trung huy động ngân sách địa phương. Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS làm hành lang pháp lý cho việc cho việc lập dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương. Tiếp tục đôn đốc và hỗ trợ các địa phương chưa phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 tiếp tục trình hoàn thiện và phê duyệt.
Trong thời gian vừa qua Việt Nam đã rất thành công trong việc chuyển giao chương trình điều trị ARV sang nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, đến nay Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả tới 90% thuốc đàm phán giá. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đạt tới 96% tuy nhiên đến nay vẫn còn 5-7% bệnh nhân đang điều trị từ khu vực tư nhân do không muốn lộ danh tính.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế và bảo đảm quỹ bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ cho người nhiễm HIV theo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích cho việc tăng cường khu vực tư nhân tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, nhằm tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân lên tới 10% năm 2025 và 15% năm 2030.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hoàn thiện khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định mức kinh tế kỹ thuật cập nhật để thu phí một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
UNAIDS hỗ trợ Việt Nam trong đáp ứng với HIV/AIDS
Theo ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam, tới đây, UNAIDS tập trung hỗ trợ về chính sách và kỹ thuật trong phòng, chống HIV. UNAIDS hỗ trợ cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng để giúp xây dựng các chính sách và chương trình can thiệp phòng, chống HIV hiệu quả.
Ưu tiên của UNAIDS trong hỗ trợ đáp ứng với HIV ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực.
Thứ nhất, là củng cố các quan hệ đối tác, giới thiệu các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS vào Việt Nam và tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng người sống với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong đáp ứng của quốc gia với HIV.
Hỗ trợ xây dựng, củng cố các quan hệ đối tác trong phòng, chống HIV là một sứ mệnh toàn cầu của UNAIDS, nhằm bảo đảm các bên liên quan trong công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn sát cánh, phối hợp nhịp nhàng với nhau bởi vì HIV không chỉ là vấn đề về y tế mà cần có cách tiếp cận đa ngành, liên ngành để có thể giải quyết một cách hiệu quả.
Ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam. |
Hai là, về các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS: Dịch HIV không ngừng biến đổi bao gồm cả dịch HIV ở Việt Nam, vì vậy, việc nhanh chóng cập nhật những sáng kiến và cách làm mới trong phòng, chống dịch có thể giúp Việt Nam tiết kiệm được nguồn lực và đáp ứng hiệu quả hơn với HIV.
Trong những năm qua, UNAIDS đã hỗ trợ Việt Nam thí điểm và đưa vào triển khai những sáng kiến quan trọng như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và gần đây nhất là thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày, điều trị 2.0 – đưa thuốc ARV đến gần hơn với người bệnh trong cộng đồng, xét nghiệm sàng lọc HIV do tổ chức cộng đồng thực hiện, và thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV do tổ chức cộng đồng cung cấp để tăng cường tính bền vững của các dịch vụ dự phòng HIV.
Lĩnh vực ưu tiên thứ ba và cũng vô cùng quan trọng trong đáp ứng với HIV, đó là nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng người sống với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong đáp ứng của quốc gia với HIV.
Trong bối cảnh dịch HIV ở Việt Nam tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, cũng là các nhóm dân số dễ tổn thương và còn nhiều kỳ thị trong xã hội, cộng đồng chính là người có thể giúp tìm đến những người cần sử dụng dịch vụ HIV nhất và kết nối họ đến dịch vụ để bảo vệ sức khỏe và giảm sự lây lan của HIV.
"Cộng đồng giúp chúng ta thực hiện cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời là cánh tay nối dài hiệu quả của hệ thống y tế để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam nhấn mạnh.