Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ X diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị các điều kiện để Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, quyết định những vấn đề hệ trọng, mang tầm chiến lược, có tính lịch sử, xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Qua 3 ngày làm việc, với tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đại hội đã nhận được 110 báo cáo tham luận góp ý nội dung của Báo cáo chính trị. Trong đó có 64 tham luận của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 32 tham luận của các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam; 14 tham luận của cá nhân tiêu biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nội dung các báo cáo tham luận chuẩn bị có chất lượng cao; nhiều nhận định, đánh giá đã được nghiên cứu tổng kết từ thực tiễn, các kiến nghị, đề xuất cụ thể, có tính thuyết phục, phù hợp với yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Mặt trận. Đã có 74 ý kiến phát biểu tại Đại hội, trong đó: 12 ý kiến phát biểu tham luận trực tiếp tại Hội trường; 41 ý kiến phát biểu trực tiếp và 21 ý kiến góp ý bằng văn bản tại 5 Trung tâm thảo luận. Tại các phiên thảo luận, đại biểu Đại hội đã phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, thẳng thắn, khách quan, nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, góp phần hoàn thiện các nội dung của Đại hội.
Quang cảnh phiên bế mạc đại hội. |
Trên cơ sở kế thừa và phát triển 5 chương trình hành động nhiệm kỳ trước, Đại hội đề ra 10 chỉ tiêu cụ thể, đồng thời, bổ sung 1 Chương trình mới, theo đó: Chương trình 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Chương trình 2: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; Chương trình 3: Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua; Chương trình 4: Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; Chương trình 5: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; Chương trình 6: Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
Đại hội đã thông qua Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Đại hội đã lắng nghe Tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX. Dự thảo Điều lệ cơ bản giữ nguyên kết cấu của Điều lệ MTTQ Việt Nam hiện hành, gồm Phần đầu, 8 chương, 37 Điều. Sửa đổi, bổ sung Phần đầu và 7 Điều trên tổng số 37 Điều, đồng thời biên tập, tu chỉnh về kỹ thuật văn bản, một số từ ngữ nhưng không làm thay đổi bản chất tại một số Điều, Khoản.
Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên bế mạc. |
Trên cơ sở đó, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, góp ý vào nội dung dự thảo Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung.
Tại Đại hội, Đại biểu đã biểu quyết thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung.
Đại hội đã Hiệp thương cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; thông qua số lượng: Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 405 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 72 vị, Ban Thường trực gồm 6 vị; Phó Chủ tịch không chuyên trách gồm 8 vị; hiệp thương cử ra 397 vị tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Phát biểu tại phiên bế mạc, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng không ngừng củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bám sát chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện Quy chế phối hợp với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian tới, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong phối hợp công tác, thực hiện Quy chế phối hợp; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của nhân dân và Người Việt nam ở nước ngoài, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả một số nội dung sau: Tăng cường phối hợp trong việc tập hợp nhân dân, thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Đồng chí Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên bế mạc |
Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định: Công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Quốc hội, trong đó có sự phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, phối hợp chặt chẽ, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp hiệu quả trong việc tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật - đây được coi là điểm nhấn trong hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan; chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Các đại biểu dự phiên bế mạc đại hội. |
Đồng chí Trần Quang Phương nhấn mạnh thêm các nội dung hai cơ quan cần tiếp tục quan tâm thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp: Tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “từ sớm, từ xa”. Đồng thời đề nghị Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát; phối hợp chỉ đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội và MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc để thu hút rộng rãi, đông đảo cử tri tham gia; phối hợp nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu phản hồi ý kiến, kiến nghị, giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; duy trì các hội nghị liên tịch; tăng cường chia sẻ thông tin hoạt động của mỗi bên và tăng cường phối hợp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, công tác nhân sự, công tác đối ngoại Quốc hội với đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam.
Các đại biểu dự phiên bế mạc đại hội. |
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả đang gửi trọn niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào những quyết sách sáng suốt của Đại hội góp phần phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức sáng tạo, khát vọng cống hiến của mọi người dân, không phân biệt giai cấp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.