Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Hướng tới bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ

Nguyễn Ánh Hiền
Sau nhiều năm đoàn kết, nỗ lực vượt lên, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An hiện đã có những bước phát triển vượt bậc khẳng định chất lượng, trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh của người dân trong và ngoài tỉnh. Bệnh viện hướng tới bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ.
Bệnh viện luôn nỗ lực để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Bệnh viện luôn nỗ lực để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Tất cả vì người bệnh

Có mặt tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, một trong những khoa có số lượng bệnh nhân đang điều trị đông nhất tại Bệnh viện. Với 39 cán bộ y, bác sĩ, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị hơn 110 bệnh nhân. Với số lượng bệnh nhân đông, chủ yếu là bệnh nhân nặng, tuy nhiên khi đến đây không khó để bắt gặp hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng đang tận tình, giúp đỡ từng bệnh nhân tập các vật lý, trị liệu, hay nhiệt tình tư vấn, động viên người bệnh kiên trì, nhẫn nại trong quá trình điều trị với thái độ hòa nhã, vui vẻ.

Anh Nguyễn Văn Định ở Thành phố Vinh (Nghệ An) bị dập tủy sau một sự cố tai nạn. Được gia đình đưa đi chữa trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuy nhiên đều không có tiến triển. Anh Định chia sẻ: Có thời điểm, gia đình được thông báo bản thân tôi không còn tia hy vọng cứu sống, bệnh viện trả về. Tuy nhiên sau gần năm tháng điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đến nay gia đình và bản thân cũng không tin là tay, chân tôi có thể vận động được như hiện tại.

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Hướng tới bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ ảnh 2
Bệnh viện đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh.

Cũng có sự phục hồi “thần kỳ” như anh Định, anh Nguyễn Trọng Thao quê ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị chấn thương vùng cổ nặng, liệt toàn thân. Tuy nhiên sau gần ba tháng điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền, với sự tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, hiện anh đã đi lại được. Anh Trọng chia sẻ: Từ khi nhập viện, bản thân tôi đều được các điều dưỡng, bác sĩ của khoa hướng dẫn điều trị nhiệt tình, chu đáo. Đặc biệt là thái độ thân thiện của mỗi bác sĩ, điều dưỡng làm tôi cảm thấy rất thoải mái, yên tâm điều trị tại đây.

Đây là hai trong số hàng trăm bệnh nhân được Bệnh viện điều trị thường quy bằng những kỹ thuật chuyên sâu - tuyến Trung ương thực hiện. Giờ đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An nổi lên với các kỹ thuật "Điều trị di chứng liệt" do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống; các bệnh lý về thần kinh cơ, xương khớp đã được thực hiện thường quy ở bệnh viện...

Đặc biệt, từ năm 2019, Bệnh viện triển khai kỹ thuật "Nội soi ống cứng can thiệp - Tiêm xơ búi trĩ" bằng thuốc PG60. Ưu điểm của phương pháp này là không can thiệp phẫu thuật nên không gây chảy máu, không gây đau đớn cho người bệnh. Sau khi tiêm thuốc, xơ búi trĩ teo lại, người bệnh có thể nhanh chóng trở lại với công việc hằng ngày...

Với mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An những năm qua đã không ngừng đổi mới bằng phương pháp điều trị trên cơ sở bảo tồn, phát huy những thành tựu của nền y học cổ truyền, kết hợp với những tinh hoa của y học hiện đại đã tạo thương hiệu riêng cho Bệnh viện và trở thành địa chỉ tin cậy của người dân.

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Hướng tới bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ ảnh 3

Niềm vui khi được rời giường bệnh để tập đi của những người bị tai biến đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An.

Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh toàn diện, Bác sĩ CKII Hồ Văn Thăng, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An khẳng định: Xác định chất lượng nguồn lực là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững, trong những năm qua, bệnh viện tích cực, chủ động trong việc tuyển dụng cũng như công tác đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ y, bác sĩ.

Mặc dù luôn trong tình trạng quá tải về bệnh nhân nhưng bệnh viện vẫn khéo sắp xếp, cử đội ngũ bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa, thạc sĩ hay kỹ thuật cao, chuyên sâu ở các bệnh viện tuyến trên; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, như mời các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về tận nơi để cầm tay chỉ việc cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên những kinh nghiệm chuyên môn sâu mà bệnh viện còn yếu. Có thời điểm, bệnh viện chi nhiều tỷ đồng cho công tác đào tạo, cử đội ngũ y bác sĩ đi học nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Không chỉ chăm lo công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn mà bệnh viện còn chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế nhằm hướng tới sự hài lòng người bệnh. Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, ngành, bệnh viện đã chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh cũng như sản xuất, chế biến dược liệu. Đến nay, bệnh viện đã tự chế biến hơn 90% dược liệu trên dây chuyền chế biến hiện đại, đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho bệnh nhân cả về số lượng và chất lượng.

Dược sĩ CKII, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ cho biết: Từ một bệnh xá chỉ có 10 giường bệnh, cơ sở vật chất ban đầu còn đơn sơ, nghèo nàn với ba gian nhà tranh, đội ngũ y bác sĩ còn rất khiêm tốn. Đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An là Bệnh viện hạng I tuyến tỉnh với cơ cấu 750 giường bệnh kế hoạch. Lượng bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày trung bình từ 1.200-1.400 người. Và được đánh giá là Bệnh viện chuyên ngành Y học cổ truyền có quy mô giường kế hoạch và lượng bệnh nhân điều trị nội trú lớn nhất cả nước.

Bệnh viện đã thực hiện nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao - tuyến Trung ương. Bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ cho đội ngũ y bác sĩ, Bệnh viện còn tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, điều trị.

Phấn đấu trở thành Bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ

Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An cho biết: Ngoài nâng cao năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, việc cải cách hành chính đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng ngày càng cao của người bệnh. Hướng tới xây dựng Bệnh viện trở nên chuyên nghiệp-hiện đại-văn minh-thân thiện.

Với quan điểm "Lấy người bệnh làm trung tâm", Bệnh viện đã tổ chức rà soát lại các thủ tục hành chính, thủ tục khám, chữa bệnh để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy định hướng dẫn, tạo thuận lợi cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện.

Bệnh viện cũng tiếp nhận khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử thông qua quét mã QR, triển khai xây dựng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh MENET. Qua đó đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp người dân lấy số thứ tự, đặt lịch, chọn bác sĩ, theo dõi hồ sơ sức khỏe của mình ngay tại nhà… tạo tiện lợi, kịp thời, nhanh chóng hơn cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh.

Bác sĩ CKII Dương Thị Thương, Phụ trách điều hành Khoa Nội phụ, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An cho biết: Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bệnh án điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh, giúp cho việc thăm khám và chẩn đoán cho bệnh nhân trở nên dễ dàng, chính xác hơn.

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Hướng tới bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ ảnh 5

Bệnh viện đang chuyển hướng chuyên sâu các diện bệnh đặc thù, phát huy lợi thế y học cổ truyền và y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại.

"Nếu như trước đây mất rất nhiều thời gian, thì nay chỉ cần nhập thông tin của bệnh nhân thông qua hệ thống phần mềm, chúng tôi sẽ biết được chính xác tiền sử bệnh, tình trạng bệnh, quá trình điều trị của bệnh nhân, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả. Chúng tôi cũng không mất nhiều thời gian để ghi chép hồ sơ bệnh án như trước, nhờ đó mà có nhiều thời gian hơn để thăm khám, tập trung đưa ra các quyết định và phác đồ điều trị phù hợp, cũng như trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn", bác sĩ Dương Thị Thương chia sẻ.

Năm 2023, Bệnh viện đạt được kết quả vượt bậc trong thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính. Theo đó, quy trình tiếp nhận, khám chữa bệnh và phong cách thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế ngày càng được cải thiện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Bệnh viện là một trong bốn đơn vị được Sở Y tế chọn xây dựng mô hình "Bệnh viện thông minh"; đến nay đơn vị đạt mức 6 về ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh và đạt tiêu chuẩn bệnh viện hoàn thành "Bệnh án điện tử".

Điểm quản lý chất lượng bệnh viện năm 2023 trong tốp đầu trong cả nước. Sự thay đổi có tính chất căn bản này không chỉ có ý nghĩa đối với công tác quản lý điều hành, cải cách hoạt động của đơn vị công khai, minh bạch, mà còn giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh, thuận tiện hơn, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân và tạo dựng niềm tin trong lòng người bệnh.

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Hướng tới bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ ảnh 6
Bệnh viện là một trong bốn đơn vị được Sở Y tế Nghệ An chọn xây dựng mô hình "Bệnh viện thông minh".

Phát huy những kết quả đạt được, Bệnh viện sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, tiện lợi cho người bệnh; tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế; kết hợp với xây dựng cơ sở vật chất, phát triển thêm một số kỹ thuật và dịch vụ mới có tính khả thi cao phù hợp với chuyên ngành Y Dược cổ truyền; tạo mọi điều kiện để người bệnh được chăm sóc, phục vụ tốt nhất.

“Hiện bệnh viện đang tiếp tục thu hút nguồn nhân lực và đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại, phấn đấu trở thành một trong những Bệnh viện Y học cổ truyền hàng đầu cả nước. Đặc biệt, Bệnh viện đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng nhà điều trị 7 tầng; có thể kê đủ 1.500 giường đủ tiêu chuẩn, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu là Bệnh viện tuyến cuối về Y học cổ truyền khu vực Bắc Trung Bộ với chất lượng bệnh viện đạt 4.2”, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An chia sẻ.

Bệnh viện là một trong những đơn vị có tỷ lệ nguồn nhân lực y tế chất lượng cao nhất tỉnh Nghệ An với 421 viên chức; trong số 143 bác sỹ có 19 người CKII, 20 người CKI, Thạc sĩ Đại học 104 người. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ y tế của Bệnh viện mới chỉ đạt 51,5% so với định mức biên chế theo quy định. Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An trở thành một trong bảy đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền; có quy mô giường kế hoạch và lượng bệnh nhân điều trị nội trú lớn nhất cả nước.