Chuẩn bị những điều kiện tốt nhất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Nguyễn Ánh Hiền
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hằng năm là công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chỉ đạo, ban hành quy chế đến tổ chức thi. Kết thúc năm học 2024-2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ lần đầu được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, đặt ra nhiều thách thức, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả.
Thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh THANH TÙNG)
Thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh THANH TÙNG)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD và ĐT và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục. Kỳ thi đã đạt cả ba mục tiêu đề ra: Đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT; phân tích, đối sánh dữ liệu kết quả nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; có độ tin cậy làm căn cứ xét tuyển sinh.

Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là hơn 900.000; từ năm 2021 đến 2024, mỗi năm đều có số lượng hơn một triệu thí sinh dự thi. Mặc dù có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng thực tế kỳ thi những năm qua cho thấy nhiều bất cập, nhất là tình trạng thiếu đội ngũ chuyên gia chuyên trách cho nên ngành giáo dục phải huy động giáo viên, giảng viên từ các cơ sở giáo dục vừa dạy học, ôn luyện vừa tham gia công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi dẫn đến khó bảo đảm tính độc lập, minh bạch, làm nảy sinh băn khoăn trong dư luận về sự khách quan của công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi cho các kỳ thi.

GS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) cho biết, kết thúc năm học 2024-2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học, mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Kỳ thi sẽ bám sát mục tiêu chương trình; đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Mỗi thí sinh thi bốn môn trong đó có hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn học ở lớp 12; môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Để bảo đảm công tác đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng mở, phù hợp với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ GD và ĐT đã triển khai hai đợt tập huấn cho các giáo viên trên toàn quốc và huy động toàn ngành xây dựng câu hỏi thi và đề thi của 18 môn thi.

Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT đã công bố 18 đề tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bám sát Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tập trung chủ yếu vào chương trình học lớp 12...

Đối với quy chế thi được tổ chức tiếp thu các ý kiến xã hội để sớm ban hành, triển khai thực hiện tập huấn kỹ cho các địa phương từ sớm, từ xa; triển khai hoàn thiện các hệ thống phần mềm tổ chức thi và thử nghiệm trên diện rộng, kiểm tra đánh giá về an ninh, an toàn trước khi đưa vào sử dụng...

Không chỉ Bộ GD và ĐT mà các địa phương đã có sự chỉ đạo sâu sát các cơ sở giáo dục tăng cường công tác dạy và học, tổ chức nhiều cuộc đánh giá diện rộng, nhiều kỳ thi thử nhằm rèn luyện các kỹ năng, bổ sung kiến thức để tiếp cận theo hướng đề thi mới. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho biết, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ngành giáo dục Hà Nội triển khai mạnh mẽ phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" để lan tỏa và chia sẻ kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy, tổ chức học tập giữa trường với trường, quận với quận, huyện với huyện; kêu gọi giáo viên cốt cán của các trường trong nội thành hỗ trợ giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến cho học sinh các trường ngoại thành. Các trường THPT cũng tổ chức khảo sát chất lượng đối với học sinh lớp 12 và lớp 11 để phân tích, đánh giá kết quả khảo sát và sớm có giải pháp ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm đối với học sinh lớp 12 và năm tiếp theo đối với học sinh lớp 11. Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD và ĐT công bố được xác định làm căn cứ tổ chức hướng dẫn dạy và học và kiểm tra đánh giá, ôn tập cho học sinh...

Trong khi đó, Sở GD và ĐT Lạng Sơn yêu cầu các trường thực hiện kế hoạch dạy và học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá học sinh bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Sở cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên các bộ môn về kỹ thuật xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá đáp ứng các yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và định hướng thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay từ đầu năm học 2024-2025.

Theo Thứ trưởng GD và ĐT Phạm Ngọc Thưởng, năm 2025 là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho nên tất cả các công tác liên quan kỳ thi, từ chỉ đạo, hoạt động chuyên môn đến kiểm tra, thanh tra trước, trong, sau kỳ thi... cần thực hiện kỹ lưỡng với yêu cầu cao hơn so với những năm trước. Vì vậy, các sở GD và ĐT cần chỉ đạo tổ chức hoạt động chuyên môn ở các nhà trường bám sát yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời quan tâm lựa chọn cử giáo viên có trình độ, năng lực tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Đối với các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 7/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025. Bảo đảm tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh.