* Tập đoàn NVL bắt đầu đóng tàu tình báo Type 424 đầu tiên
Army Recognition đưa tin, Tập đoàn NVL đã bắt đầu tiến hành đóng tàu tình báo Type 424 đầu tiên, đánh dấu bước tiến đáng kể trong năng lực tình báo hải quân của Đức. Sáng kiến này là một phần của dự án trị giá 3,3 tỷ EURO nhằm đóng 3 tàu tình báo tín hiệu (SIGINT) và tàu trinh sát để thay thế các tàu lớp Oste đã hoạt động kể từ cuối những năm 1980.
Các tàu Type 424 được thiết kế để tăng cường hoạt động tình báo hàng hải của Đức. Tàu có chiều dài khoảng 132m và được trang bị hệ thống SIGINT tiên tiến để giám sát tín hiệu radar và liên lạc trên phổ rộng. Tàu cũng được trang bị các cảm biến điện tử, thủy âm và quang điện chuyên dụng để trinh sát toàn diện cả trên và dưới mặt nước.
Tập đoàn NVL bắt đầu đóng tàu SIGINT mẫu 424 tiên tiến đầu tiên cho Hải quân Đức. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đức |
Trước đó vào tháng 6-2021, cơ quan mua sắm quốc phòng Đức (BAAINBw) đã trao hợp đồng thiết kế tàu Type 424 cho NVL. Sau khi được phê duyệt vào tháng 7-2023, NVL và BAAINBw tiếp tục ký hợp đồng để bắt đầu giai đoạn đóng tàu. Con tàu đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào năm 2029, các tàu tiếp theo dự kiến sẽ lần lượt được giao vào năm 2030 và 2031.
Các tàu Type 423 Oste là những phương tiện đáng tin cậy cho các hoạt động tình báo tín hiệu và điện tử. Tuy nhiên, những tàu này hiện không còn đáp ứng nhu cầu của tình báo hàng hải hiện đại. Công nghệ lạc hậu và khả năng tàng hình hạn chế khiến chúng dễ bị tấn công trong môi trường mà tác chiến điện tử và các biện pháp đối phó tinh vi chiếm ưu thế.
* Bayern-Chemie sản xuất động cơ cho tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T
Bayern-Chemie, một công ty con của tập đoàn quốc phòng MBDA, chuẩn bị mở rộng hoạt động tại Aschau am Inn để sản xuất động cơ cho tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026, với khu phức hợp mới gồm 6 tòa nhà dành riêng cho lắp ráp, kho và dịch vụ kỹ thuật.
Với kinh nghiệm lâu năm về sản xuất động cơ Patriot (hơn 2.300 động cơ đã được sản xuất từ năm 1987 đến 1996), Bayern-Chemie được kỳ vọng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Khoản đầu tư mới, ước tính lên tới hàng chục triệu USD, không chỉ để mở rộng cơ sở mà còn đảm bảo tương lai bền vững cho khu vực, góp phần tạo việc làm tại địa phương và các nỗ lực quốc phòng toàn cầu.
Động cơ được thiết kế riêng cho tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T là động cơ phản lực nhiên liệu rắn. Hệ thống đẩy loại này được biết đến với hiệu quả và độ tin cậy cao, yếu tố quan trọng trong dẫn đường cho tên lửa một cách chính xác. Động cơ hoạt động bằng cách sử dụng nhiên liệu rắn đốt cháy tạo ra luồng khí tốc độ cao, cung cấp lực đẩy cần thiết để đẩy tên lửa. Công nghệ đẩy này đóng vai trò không thể thiếu trong việc duy trì tốc độ và khả năng cơ động của tên lửa, đặc biệt là khi tên lửa “né” các biện pháp đối phó và đánh chặn. Thiết kế của động cơ nhiên liệu rắn được tối ưu hóa để phản ứng nhanh và duy trì công suất, cho phép tên lửa tấn công mục tiêu chính xác ở khoảng cách xa.
Đức sản xuất động cơ cho tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T. Ảnh: rtx.com |
Patriot PAC-2 GEM-T là phiên bản tiên tiến của tên lửa chiến thuật tăng cường có điều khiển PAC-2, được thiết kế để cải thiện độ chính xác và hiệu quả chống lại các mối đe dọa. Biến thể GEM-T có hệ thống dẫn đường và điều khiển nâng cao, cho phép theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo, máy bay và các mối đe dọa trên không khác với độ chính xác cao hơn so với các mẫu tiền nhiệm. Tên lửa này được trang bị hệ thống dẫn đường bằng radar, cho phép tấn công mục tiêu ở nhiều độ cao khác nhau, khiến nó trở thành thành phần quan trọng của hệ thống phòng không hiện đại.
Sự kết hợp giữa động cơ nhiên liệu rắn và hệ thống điện tử tinh vi của tên lửa đảm bảo tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, mang đến cho lực lượng NATO giải pháp phòng không đáng tin cậy và linh hoạt.
Việc mở rộng sản xuất động cơ tên lửa là một phần của dự án mua tổng cộng tới 1.000 tên lửa Patriot GEM-T của Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha. Hiện tại, Bayern-Chemie được giao nhiệm vụ sản xuất động cơ tên lửa; "ông lớn" Raytheon của Mỹ chịu trách nhiệm về radar, hệ thống chỉ huy và điều khiển của tên lửa cũng như tích hợp toàn bộ hệ thống; một số quốc gia khác cũng đóng góp vào việc sản xuất và bảo trì hệ thống Patriot.
* Belarus tăng cường phòng không với hệ thống tên lửa Tor-M2E nâng cấp từ Nga
Bộ Quốc phòng Belarus mới đây thông báo đã nhận được 1 hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M2E từ Nga. Các hệ thống này đã được các nhà thiết kế Nga cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực tế.
Quan chức không quân Belarus đánh giá các hệ thống này có khả năng phản ứng trong thời gian ngắn, tính cơ động cao và khả năng nhắm mục tiêu vào nhiều mối đe dọa trên không.
Belarus đã mua các hệ thống Tor từ năm 2010, với các đợt giao hàng gần đây nhất đã nâng tổng số Tor-M2E trong kho vũ khí của nước này lên con số 21 tính đến năm 2023. Các hệ thống này được trang bị 16 tên lửa 9M338K, có độ chính xác cao hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn và kích thước và trọng lượng nhỏ hơn so với các phiên bản trước. Các tên lửa được thiết kế để hoạt động trong môi trường có biện pháp đối phó điện tử và phòng thủ chống lại các cuộc tấn công trên không ồ ạt.
Belarus mới nhận 1 hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M2E nữa từ Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Belarus |
Hệ thống Tor-M2E được tích hợp vào mạng lưới phòng không của Belarus cùng với hệ thống S-400 và Buk. Hệ thống này được thiết kế để cung cấp phòng không tầm ngắn cho các cơ sở quan trọng. Nó có khả năng tấn công đồng thời tới 16 mục tiêu từ mọi hướng, bao gồm các vật thể di chuyển với tốc độ lên tới 730m/giây. Hệ thống hoạt động hiệu quả ở phạm vi lên tới 12km và độ cao lên tới 10km, trong mọi điều kiện thời tiết và vào mọi thời điểm trong ngày. Các tính năng chính bao gồm tính cơ động cao, thời gian phản ứng ngắn và chức năng chiến đấu tự động.
Các hệ thống này dự kiến sẽ tăng cường khả năng phòng không của Belarus, góp phần vào mục tiêu phòng thủ rộng hơn của nước này, bao gồm thích ứng với các mối đe dọa hiện đại và duy trì an ninh lãnh thổ. Ngành công nghiệp quốc phòng của Belarus tập trung vào sản xuất xe cộ, vũ khí dẫn đường và hệ thống tác chiến điện tử nhưng vẫn dựa vào công nghệ của Nga cho các hệ thống phòng không tiên tiến như Tor-M2E.