Đập Hòa Duân đang bị sạt lở bất thường |
Vị trí bờ biển bị sạt lở có chiều dài khoảng 200m, ăn sâu vào đất liền khoảng 100m, làm hỏng tuyến đường du lịch bằng bê-tông chạy dọc theo bãi tắm Phú Thuận.
Theo Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Nguyễn Quang Dân, 25 năm qua tính từ ngày cửa biển Hòa Duân được hàn gắn, chưa khi nào địa điểm này bị sạt lở nghiêm trọng như vậy. Điểm sạt lở nằm giữa biển và phá Tam Giang. Nay bị xâm thực mạnh, bề ngang mảnh đất này chỉ còn khoảng 250m. Tình hình sẽ xấu đi, cửa biển mới có thể lại xuất hiện nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu như thế này.
Trong ngày 21/10, sau khi có báo cáo của UBND xã Phú Thuận, lãnh đạo huyện Phú Vang và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các ngành chức năng đã khẩn trương xuống thị sát. Trước mắt yêu cầu địa phương tiếp tục theo dõi tình hình sạt lở. Rà soát, có phương án di dời dân sống ở chung quanh khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Qua ngày 22/10, tỉnh sẽ có phương án để gia cố, hạn chế tác động tiêu cực đến vùng đất nhạy cảm.
Thống kê của Thừa Thiên Huế cho thấy, trên địa bàn hiện có hơn 14km bờ biển bị sạt lở nặng, tập trung các khu vực như: xã Phong Hải, xã Điền Hòa - huyện Phong Điền; xã Quảng Ngạn - huyện Quảng Điền; xã Hải Dương – thành phố Huế; các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh - huyện Phú Vang; xã Vinh Mỹ, Giang Hải, huyện Phú Lộc.
Vào mùa mưa bão tốc độ xói lở trung bình hằng năm từ 5-7m, có nơi từ 10÷15m, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân sống trực tiếp sát bờ biển, ảnh hưởng đến Quốc Lộ 49B và các công trình cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng hệ sinh thái của đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Trước tình hình trên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng kè chống xói lở cho các đoạn xung yếu trong thời gian tới. Riêng các địa phương phải khẩn trương tiến hành lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo ở các khu vực sạt lở. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân trên phương tiện thông tin đại chúng.