Đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác

Tran Huy
Ngày 5/7, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất các biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này.
Chuyên gia y tế chia sẻ thông tin về những tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại hội thảo.
Chuyên gia y tế chia sẻ thông tin về những tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam xấp xỉ 380 nghìn ca/năm, chiếm 73% tổng số ca tử vong và làm giảm đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm được biết rất rõ là sử dụng thuốc lá, thực phẩm nhiều chất béo có hại, lạm dụng rượu bia… và thiếu hoạt động thể chất. Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

Đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác ảnh 1

Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

Trong khi đó, nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và hơn 40% các bệnh ung thư. Do vậy, việc thay đổi lối sống, thay đổi các hành vi nguy cơ để bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.

Chính vì lý do đó, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật quan trọng là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá từ rất sớm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việc sử dụng các sản phẩm này có diễn biến phức tạp, tỷ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng trong cộng đồng, đặc biệt trong giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.

Trước tình trạng nêu trên, Quốc hội lần đầu tiên có phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Như vậy, có thể thấy rằng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, chăm lo, chú trọng đến sức khoẻ của người dân.

Chia sẻ thông tin về tác hại của việc sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Có 25 căn bệnh liên quan sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong khi đó Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70 nghìn người tử vong nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Đáng lo ngại, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ. Cụ thể: tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã tăng nhanh từ 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023. Trong khí đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm trẻ từ 15 đến 24 tuổi là 7,3%; nhóm tuổi từ 25 tuổi đến 44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi từ 45 đến 64 tuổi là 1,4%.

Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, với các triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi. Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá ở Việt Nam là 108 nghìn tỷ một năm.

Đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác ảnh 3

Các đại biểu đến từ các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn Hà Nội tham dự hội thảo.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh: Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện vì làm người sử dụng lệ thuộc chất gây nghiện nicotine; không có một sản phẩm thuốc lá nào là sản phẩm an toàn cho sức khỏe; các sản phẩm thuốc lá mới ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất... Mặt khác, các bằng chứng cho thấy các sản phẩm thuốc là mới không chỉ gây các bệnh mạn tính đối với người sử dụng như thuốc lá điếu thông thường mà bên cạnh đó còn gây ra các bệnh cấp tính và các hệ lụy xã hội khác.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm đến từ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cùng cho rằng: Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bày bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục gia tăng nhanh trong giới trẻ.

Vì vậy, Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam. Về lâu về dài, cần chuyển và hoàn thiện các quy định cấm từ nghị quyết vào luật sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã cung cấp thông tin về những tác hại của thuốc lá mới, ngộ độc thuốc lá; thực trạng sử dụng thuốc lá mới tại Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu trao đổi, thảo luận, giải đáp thông tin liên quan tác hại của thuốc lá, kinh nghiệm quốc tế; đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

THÁI SƠN