Diện mạo mới vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Tran Huy
Năm nay, vựa lúa, trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa, được giá, càng làm tăng gấp bội niềm vui của đồng bào Khmer Nam Bộ trong từng phum, sóc đang tưng bừng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Các đội đua ghe Ngo thuộc hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long tập trung về sông Long Bình (thành phố Trà Vinh) chuẩn bị tranh tài.
Các đội đua ghe Ngo thuộc hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long tập trung về sông Long Bình (thành phố Trà Vinh) chuẩn bị tranh tài.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống luôn chăm lo đời sống vật chất, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho bà con. Cùng với đó, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước càng thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Phum, sóc no ấm, hạnh phúc

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn một triệu dân, với cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm cùng chung sống; trong đó, đồng bào Khmer có 318.231 người, chiếm 31,53% dân số toàn tỉnh. Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer của tỉnh đã kéo giảm từ hơn 50% năm 1992 hiện còn 2,03%.

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Trà Vinh đạt 8,25%, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32.011 tỷ đồng, quy mô nền kinh tế đạt 83.375 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 81,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 17.175 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn tỉnh Trà Vinh hiện còn 1,19% hộ nghèo, 2,35% hộ cận nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 2,03% và 3,25%; số hộ có mức sống trung bình, thu nhập khá, giàu ngày càng tăng.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; các chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được thực hiện tốt. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy. Đến nay, 100% xã của tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer, với hơn 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu. Kiên Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào Khmer trong tỉnh tăng hơn hai lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 1,5-2%/năm. Đến nay, Kiên Giang có 19/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Xã Định Hòa, huyện Gò Quao được Trung ương và tỉnh Kiên Giang chọn làm xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn xã Định Hòa có hơn 15.300 dân, trong đó, 63,6% là đồng bào dân tộc Khmer.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội, từ một xã có xuất phát điểm thấp, từng bước, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã được đầu tư hoàn thiện, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 2015, xã Định Hòa được tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của Định Hòa năm 2023 là 68,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 3,07%.

Ông Danh Hiệp, sinh năm 1960, ở ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa cho biết, nhiều năm qua, Nhà nước đã ưu đãi nhiều chính sách như điện, nước sinh hoạt, vốn vay để phát triển kinh tế hộ, từ đó tạo động lực cho đồng bào Khmer vượt khó, vươn lên. Giao thông thuận lợi, thương lái đến tận ruộng thu mua lúa của nông dân với giá hợp lý. Có tiền, bà con sắm sửa, chăm lo con cái ăn học đàng hoàng. Giờ ở đây không thiếu thứ gì. Bà con muốn mua gì cứ lên xe máy chạy tới chợ là có mọi thứ.

Theo ông Võ Minh Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Hòa, địa phương đang rà soát, thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025. Hiện, xã còn 9/19 tiêu chí chưa đạt. Địa phương đang huy động các nguồn lực đầu tư để nâng thu nhập bình quân đầu người từ 68,9 triệu đồng lên 72 triệu đồng/năm, giảm hộ nghèo xuống còn 2,5%; phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao…

Đầu tư hạ tầng nông thôn hiện đại, văn minh

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng 146 nhà hỏa táng cho 140 điểm chùa, cụm dân cư; thực hiện hỗ trợ sản xuất, nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho hơn 43 nghìn hộ; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vốn ưu đãi để phát triển sản xuất cho hàng chục nghìn lao động, lượt hộ với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.

Tỉnh Trà Vinh đã triển khai dự án cung cấp điện cho 20 nghìn hộ dân chưa có điện, chủ yếu là hộ đồng bào Khmer tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành với tổng mức đầu tư hơn 227 tỷ đồng; qua đó, nâng tỷ lệ hộ đồng bào Khmer sử dụng điện đến nay lên 97,4%.

Tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào Khmer, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Trà Vinh đầu tư các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... với tổng nguồn vốn hơn 271 tỷ đồng.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 1,2 triệu dân, trong đó, gần 36% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được cải thiện, hộ nghèo giảm còn 7.132 hộ, tỷ lệ 7,01%. Hạ tầng nông thôn ở vùng dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư hiện đại, văn minh.

Đến nay, 100% ấp, khóm trong tỉnh Sóc Trăng có điện lưới quốc gia; 99,6% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 93,42% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển, chất lượng công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên.

Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Đặc biệt, các lễ hội Oóc Om Bóc, đua ghe Ngo được tỉnh quan tâm tổ chức ngày càng quy mô, mang nhiều dấu ấn đậm nét hơn so với trước.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 509 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 373 hộ, đào tạo nghề cho 2.280 lao động với kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ nguồn vận động xã hội hóa, tỉnh đã xây dựng 3.496 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí hơn 174,8 tỷ đồng. Hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 128.788 lượt hộ nghèo, 184.601 lượt hộ cận nghèo, bảo đảm 100% người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đều có thẻ bảo hiểm y tế.

Dự án cung cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai được 8.500 hộ, nâng tổng số hộ có điện là 377.580 hộ. Tỉnh hiện có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng nông thôn hiện đại, văn minh tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận môi trường sống an toàn, bền vững…

BÀI VÀ ẢNH: MINH KHỞI, NGUYỄN PHONG, QUỐC TRINH