Hiện thực hóa khát vọng của những người thầy thuốc

Tran Huy
Chương trình đưa bác sĩ nội trú lên hỗ trợ các huyện khó khăn ở tỉnh Lào Cai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai hơn một năm qua là cách làm trúng và đúng, bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực.
Ngay sau nhận quyết định, hai bác sĩ được phân công về Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai đã bắt tay ngay vào công việc, tham gia khám, điều trị cho người bệnh.
Ngay sau nhận quyết định, hai bác sĩ được phân công về Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai đã bắt tay ngay vào công việc, tham gia khám, điều trị cho người bệnh.

Tại các bệnh viện khó khăn, những kỹ thuật chuyên môn sâu được triển khai nhiều hơn; số lượng người bệnh được khám hằng ngày tăng lên, trong khi số bệnh nhân chuyển tuyến giảm; tinh thần làm việc của nhân viên y tế thay đổi rõ rệt.

Những cánh rừng mận Tam hoa đang vào mùa hoa nở rộ, ngập tràn sắc trắng trên dải đất biên cương. Những người thầy thuốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng có mặt trong dịp này, họ mang sắc trắng (áo blouse) với khát vọng tận hiến lên phục vụ người dân nơi đây.

Nâng tầm nhờ sự hỗ trợ từ tuyến trên

Vượt chặng đường dài từ Hà Nội lên đến Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai, chưa kịp ổn định chỗ ăn, chỗ ở, hai thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Anh Quân và Nguyễn Thị Giang đã nhận được thông báo đề nghị cần hỗ trợ từ khu điều trị.

Mở va-ly đựng tư trang, lấy chiếc áo Blouse khoác vào người, hai bác sĩ trẻ vội di chuyển xuống phòng cấp cứu, nơi vừa tiếp nhận một trường hợp bị tai nạn giao thông.

Đó là anh Tẩn Seo Pao (47 tuổi) nhà ở xã Quan Hồ Thẩn (cách trung tâm huyện Si Ma Cai gần 10 km). Kết quả chụp CT cho thấy, nạn nhân bị chấn thương sọ não, có diễn biến nặng đã được các y, bác sĩ chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai để điều trị kịp thời.

Chia sẻ về những cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc và cùng các đồng nghiệp tham gia hội chẩn ngay một ca bệnh, bác sĩ Nguyễn Anh Quân đã thấy được những vất vả, thiếu thốn của các đồng nghiệp nơi đây.

Do vậy, trong hai tháng được cử lên công tác, Quân sẽ cùng Giang cố gắng mang những kiến thức, kinh nghiệm của mình để cùng các đồng nghiệp tập trung khám, chữa bệnh cho người dân.

Trước khi lên công tác, các em đã trao đổi thông tin qua các anh chị đi trước về thực tế trang thiết bị, nguồn nhân lực, cơ cấu bệnh tật, phong tục, tập quán của người dân nơi đây, qua đó giúp thuận lợi hơn khi làm việc và cống hiến được nhiều nhất có thể.

Ngoài nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh cho người dân tại địa phương, các bác sĩ lên tăng cường sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn về ý thức giữ gìn sức khỏe cho người dân; đặc biệt sắp xếp, lên kế hoạch tổ chức các buổi đào tạo, trao đổi những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến trong khám và điều trị người bệnh với mong muốn là các đồng nghiệp sẽ làm chủ các kỹ thuật cao để phục vụ bà con tại địa phương một cách hiệu quả nhất...

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai, Bác sĩ chuyên khoa I, Hà Thị Hường không giấu được niềm vui khi đợt này, trung tâm tiếp nhận hai bác sĩ nội trú lên hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật.

Sự tăng cường này là rất đáng kể, sẽ giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao tương đương với tuyến tỉnh, tuyến trung ương ngay tại địa phương.

Mặt khác, đây cũng là dịp để các cán bộ, thầy thuốc ở trung tâm, được nâng cao trình độ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật thông qua “cầm tay chỉ việc”. Đây là mô hình rất phù hợp hiện nay đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa cần được nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Gần ba năm nay, anh Giàng Seo Lầu (40 tuổi) xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) phát hiện mắc bệnh tim, thường xuyên phải xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai khám định kỳ. Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, sau khi Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà được đầu tư máy siêu âm tim, cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn kỹ thuật siêu âm tim, nên anh Lầu đã không phải lên bệnh viện tỉnh như trước.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lầu cho biết: Giờ tôi không còn lo lắng mỗi khi đến thời hạn phải đi kiểm tra tim định kỳ vừa đỡ tốn tiền chi phí đi lại, vừa không phải nghỉ làm việc nương dài ngày.

Anh Lầu mong muốn Nhà nước, ngành y tế tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, thuốc men đầy đủ để những người bệnh nơi vùng cao được điều trị, chăm sóc kịp thời và ngày một tốt hơn.

Bác sĩ Đặng Văn Yên, Phó trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà) cho biết: Năm 2023, Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà đã được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cử năm bác sĩ nội trú lên hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo chuyên môn ngay tại cơ sở theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Sau khi được sự chỉ dẫn tận tình từ bác sĩ tuyến trên, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Bắc Hà đã thực hiện thành thạo nhiều kỹ thuật mới, như siêu âm tim, phương pháp kiểm tra và chẩn đoán tim mạch hiện đại và hiện nay đã đưa kỹ thuật này vào danh mục sử dụng thường quy.

Nhờ làm chủ được kỹ thuật và bệnh viện được trang bị hai máy siêu âm mầu 4D, hiện trung bình mỗi tháng thực hiện từ 120 đến 180 ca siêu âm tim, kịp thời phát hiện và xử trí kịp thời nhiều ca bệnh nặng, như: hẹp khít van tim, giãn tim… có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Có trường hợp hẹp van tim rất nặng khi phát hiện, các bác sĩ tại chỗ đã xin ý kiến, hội chẩn rồi chuyển thẳng về Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Người bệnh được phẫu thuật sửa van tim kịp thời, đã trở về cuộc sống bình thường.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội luân phiên lên công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà đã trực tiếp tham gia khám, tư vấn cho 3.550 người bệnh ngoại trú; điều trị nội trú cho 1.250 người bệnh; hội chẩn 51 ca bệnh; tham gia thủ thuật 650 lượt; chuyển giao 29 kỹ thuật...

Đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến người dân

Trước tình trạng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các đơn vị tuyến huyện còn nhiều hạn chế, hầu hết các bệnh viện chưa thực hiện đủ theo phân tuyến của Bộ Y tế; nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu chất lượng, nhất là thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa.

Để từng bước khắc phục tình trạng này, đồng thời giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại từ tuyến cơ sở, Sở Y tế tỉnh Lào Cai phối hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai chương trình đưa các bác sĩ nội trú về hỗ trợ các bệnh viện huyện khó khăn trên địa bàn.

Sau hơn một năm thực hiện, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử 31 lượt bác sĩ nội trú về hỗ trợ sáu huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên và Bát Xát.

Các bác sĩ luân phiên đã tham gia điều trị nội trú cho gần 8.500 lượt bệnh nhân; hội chẩn cho 1.282 lượt bệnh nhân mắc bệnh phức tạp; thực hiện 142 ca phẫu thuật các chuyên ngành ngoại khoa, tai mũi họng…; tổ chức đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng cho 12 cán bộ y tế của các bệnh viện tuyến huyện về các chuyên ngành như sử dụng thuốc chống đông trong hồi sức cấp cứu, siêu âm tổng quát, hồi sức tích cực và giải phẫu bệnh, khám nội soi tai mũi họng; đào tạo cho 118 cán bộ trạm y tế xã, thị trấn với sự hỗ trợ đến từ các chuyên gia lĩnh vực tim mạch, hô hấp, hồi sức cấp cứu, nội khoa, tai mũi họng…

Hy vọng đợt hỗ trợ đầu tiên của năm 2024 với 9 bác sĩ về 7 huyện khó khăn sẽ tiếp tục thu được kết quả tốt như năm trước.

Các bác sĩ đi tăng cường đã chuyển giao kỹ thuật dưới hình thức “cầm tay chỉ việc” các kỹ thuật: điện tâm đồ cơ bản; holter điện tâm đồ; xử trí cấp cứu rối loạn nhịp; kỹ thuật siêu âm doppler tim; siêu âm sàng lọc ung thư tuyến giáp, tuyến vú; chụp cắt lớp vi tính sọ mạch não; thường xuyên thực hiện các buổi hội chẩn trực tuyến qua Tele-ICU với Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) trên những bệnh nhân nặng phức tạp; thành lập nhóm kết nối chuyên môn giữa Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực với bệnh viện tuyến huyện để trao đổi chuyên môn những ca bệnh phức tạp.

Giám đốc Sở Y tế Hoàng Quốc Hương khẳng định, tỉnh Lào Cai đánh giá rất cao sự hợp tác, giúp đỡ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong việc cử các cán bộ có trình độ cao (bác sĩ nội trú) lên trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện các huyện khó khăn trên địa bàn thời gian qua.

Sự có mặt của các bác sĩ có tay nghề cao không chỉ giúp cho các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, mà còn nâng cao trình độ chuyên môn, sự tự tin cho các y, bác sĩ tại đây áp dụng các kỹ thuật hiện đại để chữa bệnh cho người dân.

Trước đây, nhiều ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến tỉnh để điều trị, thì sau khi có các bác sĩ luân phiên tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm rõ rệt.

Ngoài công tác khám, chữa bệnh, các bác sĩ đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp tại chỗ cho các y, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã về các chuyên ngành hồi sức cấp cứu, sản khoa, nhi khoa...

Qua quá trình làm việc trực tiếp với các bác sĩ tuyến trên, đội ngũ cán bộ y tế tại địa phương học hỏi được rất nhiều từ thái độ làm việc; tinh thần làm việc khoa học từ đó từng bước thay đổi được nhận thức của cán bộ y tế… cho nên ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, nhất là niềm tin yêu của người dân dành cho những người thầy thuốc tuyến cơ sở tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh duy trì cách làm đang đem lại hiệu quả, ngành y tế Lào Cai đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ nhiều hơn các bệnh viện trong đào tạo cấp chứng chỉ về các chuyên ngành phẫu thuật bệnh, cấp cứu, tim mạch, cận lâm sàng; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở cấp thiết cần nghiên cứu để phát triển dịch vụ kỹ thuật trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn...

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, khi triển khai chương trình, điều mong muốn lớn nhất của chúng tôi là đưa các kỹ thuật, kiến thức y khoa mới nhất đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác cũng để cho các bác sĩ của bệnh viện hiểu được những khó khăn, thiếu thốn, sự vất vả của các y, bác sĩ công tác tại tuyến cơ sở nhưng vẫn đang ngày đêm không ngừng nghỉ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân nơi đây. Chính những điều ấy sẽ giúp trau dồi thêm kiến thức, nghị lực, bởi không có trường học nào tốt hơn là trường học thực tế...

Những con số đã nói lên tất cả. Tổng số lượng bệnh nhân chuyển tuyến giảm đi rõ rệt; số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú ngày càng tăng lên kể cả sau khi các bác sĩ đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trở về.

Đây chính là động lực, là niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc đang thực hiện “khát vọng” đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến với người dân đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nơi địa đầu của Tổ quốc.

TRUNG TUYẾN VÀ MINH HOÀNG