Hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

Vũ Xuân Kiên
Ngày 10/8, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).
1-1660124552.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Báo cáo phân tích về phân bố, hoạt động của nhóm VPE500 trên cơ sở so sánh với nhóm còn lại; đánh giá vai trò, hoạt động và sự liên kết của nhóm VPE500 với các doanh nghiệp khác, từ đó đề xuất chính sách phát triển VPE500 trong một tổng thể chính sách kinh tế đồng bộ và tăng tính lan tỏa của nhóm doanh nghiệp này, góp phần đưa kinh tế tư nhân “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực tế phát triển trong thời gian qua cho thấy, mặc dù đã được khẳng định là một khu vực kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, tích lũy ít, nền tảng năng suất, khoa học công nghệ cũng như môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhanh nhưng tổng quy mô tăng không tương ứng.

2-1660124553.jpg
TS Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo.

Ngay trong nội bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân, thị phần tập trung vào một số doanh nghiệp quy mô lớn, còn lại hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính vì vậy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới không chỉ là tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, mà phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, hùng mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để vươn ra bên ngoài.

Tại hội thảo, trình bày kết quả nghiên cứu 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Kết quả hoạt động và các mối liên kết, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Tổng quan một số chính sách hiện hành cho thấy từ định hướng, chủ trương đến cơ chế, chính sách, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử hoặc chính sách riêng đặc thù cho doanh nghiệp lớn, thậm chí có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn vẫn có lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, cơ hội đầu tư, thị trường tài chính và cơ hội cung ứng hàng hóa, dịch vụ thông qua các ưu đãi thu hút đầu tư hoặc quy định về điều kiện tham gia đấu thầu, cũng như tiềm lực với các khách hàng xuất khẩu. Những lợi thế này sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp lớn phát triển mạnh hơn.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề, đó là: Những rào cản về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh hiện nay và trong tương lai khiến doanh nghiệp tư nhân trong nước khó lớn mạnh; Nhà nước cần làm gì để giúp doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển; kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong tăng trưởng, lớn mạnh về quy mô….