Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”

Trần Thu
Sáng nay, tại Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Tapchivietduc.vn - Về phía đại biểu Việt Nam tham dự hội thảo có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại biểu đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam…

Đại biểu quốc tế gồm: Bà Nao Hayashi, đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bà Marie Laure Lavenir, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế ICOMOS; ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam… Ngoài ra còn có các đại biểu tham dự trực tuyến đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Italia…

z3705268823030-d9ef0e7a7b87d2a2e07a9fa37749da03-1662624075.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo tổ chức nhằm khẳng định những thành tựu đạt được trong 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt nhấn mạnh những kết quả đạt được trong những năm gần đây trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản sau 10 năm được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới.

Hội thảo cũng là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu và bảo tồn trong nước và quốc tế, từ đó thảo luận nhằm nêu lên định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nhiều mặt của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong thời gian tiếp theo.

Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính: “Đánh giá kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, “Phát huy giá trị di sản: Thực tiễn kinh nghiệm và định hướng”.

z3705268839780-3071726707a05d6565756d594e899e4f-1662624127.jpg
 

Đại biểu tham dự hội thảo

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 31 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý di sản trong nước và quốc tế. Các tham luận đề cập đến những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long trong 20 năm kể từ khi phát lộ, đặc biệt 10 năm kể từ sau khi di sản văn hóa thế giới trên các lĩnh vực khai quật khảo cổ học theo khuyến nghị của ICOMOS; chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phục dựng các khu di sản…

z3705268861205-9dc9a994a53033b77fa44fc2d0f06478-1662624208.jpg

 

Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: "Cuộc khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới".

Tại hội thảo, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý hãy đóng góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản. Những kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để thành phố Hà Nội xây dựng phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới; đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ dưới dạng di sản số.

Đại diện đại biểu quốc tế phát biểu tại hội thảo, ông Christian Manhart nhấn mạnh: "Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng".

Thông qua hội thảo này là cơ sở khoa học để Hoàng thành Thăng Long xây dựng kế hoạch trùng tu lâu dài cho di sản kiến trúc.

Nguyễn Huy Nam