Indonesia: Phát hiện bức tranh hang động 51.200 năm tuổi

Nguyễn Ánh Hiền
Trên trần của một hang động đá vôi trên đảo Sulawesi của Indonesia, các nhà khoa học đã phát hiện ra tác phẩm nghệ thuật mô tả ba hình người đang tương tác với một con lợn rừng. Đây được xác định là bức tranh hang động lâu đời nhất thế giới được biết đến với niên đại cách đây ít nhất 51.200 năm.
Bức tranh hang động lâu đời nhất thế giới được tìm thấy trên đảo Sulawesi của Indonesia. Ảnh: REUTERS.
Bức tranh hang động lâu đời nhất thế giới được tìm thấy trên đảo Sulawesi của Indonesia. Ảnh: REUTERS.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp khoa học mới để xác định độ tuổi tối thiểu của bức tranh bên trong hang động Leang Karampuang ở vùng Maros-Pangkep thuộc tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia, bằng cách sử dụng tia laser để xác định niên đại của một loại tinh thể gọi là canxi cacbonat hình thành tự nhiên trên bức tranh.

Maxime Aubert, chuyên gia khảo cổ tại Đại học Griffith (Australia) và là một trong những người đứng đầu nghiên cứu về bức tranh cổ đại nêu trên mới được công bố trên tạp chí Nature, cho biết: “Phương pháp này là một cải tiến đáng kể so với các phương pháp khác và sẽ cách mạng hóa việc xác định niên đại các bức tranh nghệ thuật trên đá trên toàn thế giới”.

Bức tranh mới được phát hiện khắc họa hình ảnh một con lợn có kích thước 36 inch x 15 inch (92cm x 38cm) đang đứng thẳng cùng với ba hình người nhỏ hơn, được vẽ bằng một sắc thái duy nhất của sắc tố đỏ sẫm. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện ra những hình ảnh khác về lợn trong hang động.

Các nhà nghiên cứu giải thích bức tranh như một cảnh tường thuật, và họ cho rằng đây sẽ là bằng chứng lâu đời nhất được biết đến về nghệ thuật kể chuyện qua tranh.

Indonesia: Phát hiện bức tranh hang động 51.200 năm tuổi ảnh 1

Bức vẽ mô tả sự tương tác của 3 người với một con lợn rừng. (Nguồn: Griffith University/Nature/TTXVN)

Nhà khảo cổ học Adam Brumm của Đại học Griffith, cho biết: “Ba hình người và hình lợn rõ ràng không được mô tả riêng lẻ trong bức tranh… Thay vào đó, sự sắp xếp các hình ảnh - cách chúng được định vị liên quan đến nhau - và cách chúng tương tác rõ ràng là có chủ ý, bức tranh muốn truyền tải một cảm giác hành động không thể nhầm lẫn. Có điều gì đó đang diễn ra giữa những hình ảnh này. Một câu chuyện đang được kể. Rõ ràng là chúng ta không biết câu chuyện đó là gì”.

"Hai trong số những hình người này đang cầm một vật gì đó và có ít nhất một hình dường như đang với tay về phía mặt con lợn. Một hình người khác được đặt ngay phía trên đầu con lợn trong tư thế lộn ngược", nhà khảo cổ học Adam Brumm cho biết thêm.

Cho đến nay, bức tranh hang động lâu đời nhất thế giới được biết đến là bức tranh ở hang Leang Tedongnge, cũng ở đảo Sulawesi, Indonesia, với niên đại ít nhất 45.500 năm về trước.

Các nhà nghiên cứu cho biết bức tranh ở hang Leang Karampuang có từ trước những bức tranh hang động ở châu Âu, trong đó bức tranh sớm nhất được tìm thấy ở El Castillo, Tây Ban Nha, có niên đại khoảng 40.800 năm trước.

Adam Brumm cho biết: "Phát hiện này ở Indonesia đã chứng minh rằng châu Âu không phải là nơi khai sinh ra nghệ thuật vẽ trong hang động như người ta vẫn nghĩ và nó cũng phản ánh một nền văn hóa kể chuyện phong phú đã phát triển vào giai đoạn này của lịch sử loài người”.