Khó chấp nhận việc học sinh ở Đồng Nai phải học ca 3

Tran Huy
Sẽ khó chấp nhận được khi Đồng Nai là một trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước nhưng học sinh phải học ca 3, sĩ số học sinh trên lớp quá cao.
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu kết luận buổi giám sát.
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu kết luận buổi giám sát.

Đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh như vậy ngay buổi giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (giai đoạn 2018-2023) tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai vào sáng 29/2.

Qua giám sát, cùng với đánh giá cao những kết quả đạt được, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đặt vấn đề việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập nên gắn với địa giới hành chính hay gắn với nhu cầu để tiết kiệm biên chế, ngân sách. Chẳng hạn, ở địa bàn một phường có bệnh viện đa khoa lớn thì có nhất thiết phải xây dựng trạm y tế để tốn hàng chục biên chế hay chỉ cần 2 cán bộ dự phòng là đủ.

Hoặc việc thành lập mỗi huyện một Trung tâm đăng ký đất đai có thực sự cần thiết. Qua khảo sát nếu thấy không cần thiết thì chỉ nên lập 1 trung tâm phụ trách địa bàn 2 hoặc 3 huyện, huyện nào có địa bàn, quy mô dân số lớn thì có thể có riêng một trung tâm, như vậy, sẽ giảm được đầu mối và biên chế.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận tiện cho người dân nhưng phải đạt được mục đích nữa là giảm được chi từ ngân sách để dành nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực cấp thiết khác.

Khó chấp nhận việc học sinh ở Đồng Nai phải học ca 3 ảnh 1

Quang cảnh buổi giám sát.

Đồng chí Quản Minh Cường đề nghị tiếp tục đánh giá về chất lượng, hiệu quả, mô hình tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện mô hình cơ chế tự chủ tài chính: “Các ngành liên quan cần tính toán quy hoạch phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập ở từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Sẽ khó chấp nhận được khi Đồng Nai là một trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước nhưng học sinh phải học ca 3, sĩ số học sinh trên lớp quá cao, thiếu giáo viên nghiêm trọng”, đồng chí Quản Minh Cường nói.

Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nơi nào cần chi ngân sách vẫn phải chi, còn nếu muốn cắt giảm thì phải có lộ trình và làm tốt xã hội hóa, tất cả vì mục tiêu phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Khó chấp nhận việc học sinh ở Đồng Nai phải học ca 3 ảnh 2

Giám đốc Sở Tài chính Đồng Nai Trương Thị Hương Bình lý giải về thực trạng khó khăn trong thực hiện tự chủ tài chính của một số đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2023, tỉnh có 882 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 120 đơn vị so năm 2015. Về biên chế giảm 3.537 chỉ tiêu so năm 2015. Đối với tự chủ tài chính, hiện có 5 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 59 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 60 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, còn lại 758 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

Thực tế, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn mang tính cơ học; đầu mối trực thuộc một số nơi đã được sắp xếp tinh gọn nhưng chưa phù hợp, chưa có sự gắn kết; chỉ giảm đầu mối về tổ chức bộ máy, chưa thực sự gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế.

THIÊN VƯƠNG