Kịch bản sân khấu: Vì sao thiếu hấp dẫn?

Nguyễn Ánh Hiền
So với các loại hình sân khấu khác, kịch nói được xem như người em tiên phong, xung kích trên tất cả mũi nhọn của cuộc sống. PGS, TS Phạm Duy Khuê cho biết, nhiệm vụ quan trọng của kịch nói là phản ánh những vấn đề hiện đại, con người của đương thời.

Sân khấu kịch nói từng có thời kỳ vàng son, khi khán giả lần lượt xếp hàng mua vé, chính là vì đã bám sát những vấn đề đang nóng hổi của cuộc sống. Người xem không chỉ cảm thấy câu chuyện trên sàn diễn là của chính bản thân họ và những người xung quanh mà còn hiểu được những ngầm ý sâu xa mà tác giả và đạo diễn gửi tới khi cuộc sống bước vào ngưỡng cửa mới. Đó chính là tính dự báo - chức năng vô cùng quan trọng của văn học, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng.

Kịch bản sân khấu: Vì sao thiếu hấp dẫn?
Cảnh trong vở kịch "Bến nước thời gian" của Nhà hát Tuổi trẻ được đánh giá có nhiều sáng tạo về đề tài hậu chiến.

Thế nhưng, bây giờ nhiều sân khấu thích dựng kịch lịch sử và dân gian, đó chính là sự né tránh trách nhiệm. Lý giải của người làm nghề: Động chạm đến những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc rất khó, vì sự “nhạy cảm” và điều đó khiến cho vở diễn có thể không được lên sàn diễn. Dựng kịch lịch sử, dân gian an toàn hơn. Song thực tế, nghệ thuật sân khấu kịch nói không thể cứ bám mãi vào việc “mượn xưa nói nay” mà cần nói thẳng, nói thật và phải trực tiếp đối diện với cuộc sống phức tạp đang thay đổi từng ngày, từng giờ ngoài kia.

“Chúng tôi không ngại dàn dựng những vở diễn về đề tài hiện đại, nhưng vấn đề đầu tiên là kịch bản. Rất khó tìm được một kịch bản tốt về cuộc sống đương đại. Tiêu chí đầu tiên quyết định việc có dàn dựng một vở diễn hay là kịch bản phải chất lượng”, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết. Theo ông, có kế hoạch dàn dựng tác phẩm mới là các thành viên hội đồng nghệ thuật của nhà hát lại đau đầu lựa chọn. “Nhiều khi đọc đi đọc lại các tác giả, chúng tôi lại chọn dựng kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, vì cảm thấy chưa có tác phẩm tốt hơn”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến tiết lộ.

Việc tìm kiếm kịch bản tốt luôn là vấn đề của các nhà hát, đơn giản vì “không có “bột” tốt thì đạo diễn có là phù thủy đi chăng nữa cũng khó dàn dựng thành một vở diễn - “hồ” hay”. Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, đơn vị này cũng đọc nhiều kịch bản gửi đến, song ít có kịch bản ưng ý nên nhiều khi các đạo diễn, diễn viên đành tự viết kịch bản với nhau, dàn dựng đến đâu thì cùng nhau sửa đến đó. Đây không phải là cách làm hay, nhưng vì các tác giả lão luyện đã quá tuổi sáng tạo, mà đội ngũ viết kịch trẻ thì vẫn chưa thấy bóng dáng.

Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương nhận định, sân khấu đang khủng hoảng đội ngũ tác giả trẻ cả về lượng lẫn chất. Số tác giả có tác phẩm dàn dựng thường xuyên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một thực tế dễ nhận thấy là các tác giả đang bế tắc về phương pháp sáng tạo. Người cầm bút hôm nay đang nhìn nhận, đánh giá cuộc sống bằng lăng kính chủ quan và hết sức mơ hồ. Cũng có thể họ có năng khiếu nhưng thiếu khát vọng, mà nghề cầm bút rất khắc nghiệt.

Một số nhà biên kịch có ý thức nhưng không đủ tài chuyển tải thông điệp cuộc sống mà thế hệ ngày nay đang mong chờ. Nhiều vở diễn bắt đầu bằng một ý tưởng rất mạnh bạo, nhưng sau đó, tác giả và đạo diễn không đủ sức đi sâu khai thác đến nơi đến chốn vấn đề đặt ra nên cuối cùng lại vòng vo qua những câu thoại vô hồn. Các tác phẩm kịch hiện nay không đối thoại được với con người, không làm cho khán giả cười, cũng không làm cho người ta khóc. Họ không đến với sân khấu vì sân khấu đã tụt lùi so với cuộc sống của họ mấy chục năm rồi.

Việc khủng hoảng đội ngũ sáng tác khiến PGS, TS Nguyễn Tất Thắng, người từng làm chủ tịch hội đồng giám khảo nhiều cuộc liên hoan lên tiếng: “Chúng ta phải mau chóng tìm kiếm nhân tố mới và gửi ra nước ngoài học viết kịch bản sân khấu. Nếu không tình hình sẽ rất bi quan”. Khi được hỏi, nhà chuyên môn nào cũng bắt được căn bệnh trầm kha của sân khấu hiện nay chính là kịch bản, song khó ai đưa ra được giải pháp hữu hiệu.

Thực tế là, người làm nghề cứ kêu thiếu kịch bản hay, còn các cây bút trẻ bước chân vào nghề đều cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tác giả trẻ Trần Kim Khôi thổ lộ, anh đã gửi kịch bản đến nhiều nhà hát và thường nhận được sự im lặng. “Tôi mong muốn các nhà hát hãy đọc và quan tâm nhiều hơn nữa cho tác phẩm của tác giả trẻ. Dù kịch bản không được dàn dựng, nhưng một lời nhận xét, động viên của những người làm trong hội đồng nghệ thuật cũng là động lực để tác giả trẻ tiếp tục chỉnh sửa và nâng cao đứa con tinh thần”, tác giả Trần Kim Khôi bộc bạch.