Một số dự án tu bổ, tôn tạo làm biến dạng, sai lệch, mất đi yếu tố gốc di tích

Nguyễn Ánh Hiền
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại một số địa phương còn hạn chế, làm biến dạng, mất yếu tố gốc di tích.

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích đang xuống cấp, việc tu sửa các công trình di tích phải được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, như vậy gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị phân cấp lại cho tỉnh quyết định.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã thể hiện quan điểm thống nhất trong việc phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa, bảo đảm vai trò chỉ đạo, theo dõi, cũng như giám sát, xử lý vi phạm... ở các cấp, đồng thời phù hợp với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Một số dự án tu bổ, tôn tạo làm biến dạng, sai lệch, mất đi yếu tố gốc di tích
Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại một số địa phương còn tồn tại, hạn chế. Ảnh: TTXVN

Ngày 25/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nội dung Nghị định đã quy định cụ thể thời gian thẩm định dự án tu bổ di tích, đảm bảo phù hợp và tương thích với các quy định của Luật Xây dựng.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố quyết định việc lập và phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ thẩm định chuyên môn về di sản văn hóa làm cơ sở để tỉnh/thành phố phê duyệt dự án tu bổ di tích đối với di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ, Luật, Nghị định đã quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chí, trách nhiệm và quyền hạn, quy trình và thời gian giải quyết..., các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai lập và trình thẩm định dự án tu bổ di tích, thẩm định dự án tu bổ di tích đảm bảo thời gian theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trên thực tế bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại một số địa phương còn tồn tại, hạn chế như: Không thực hiện đúng nội dung đã được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định, còn xảy ra tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu "hiện đại hóa" làm biến dạng, sai lệch, mất đi yếu tố gốc, giá trị của di tích; vi phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích; chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục dẫn đến việc vi phạm trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Mặt khác, điều kiện phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là cần bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn cao để thẩm định các nội dung đặc thù về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Thực trạng đa số các địa phương trên cả nước đang thiếu hụt đội ngũ nguồn nhân lực có chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do đó, việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di sản thế giới, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt cần có ý kiến thẩm định về mặt chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đảm bảo giữ gìn các yếu tố gốc cấu thành di tích.

Được biết, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay, trong quá trình tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu các nội dung nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.