Người bác sĩ cứu nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh

Tran Huy
23 năm gắn bó với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ bác sĩ gây mê hồi sức, đến Trưởng Khoa Hồi sức Tim mạch-Lồng ngực, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Quân đã cứu biết bao người bệnh nặng thập tử nhất sinh trở về, đặc biệt anh rất có “duyên” với những bệnh nhân “nhí”..
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Quân và 2 bệnh nhi được ghép tim.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Quân và 2 bệnh nhi được ghép tim.

Phía sau mỗi ca bệnh nặng thập tử nhất sinh được phẫu thuật, hoặc sau mỗi ca ghép tạng căng thẳng thành công, người bệnh vượt qua lằn ranh sinh-tử, bình phục xuất viện trở về gia đình, là những phút giây cân não căng thẳng của các bác sĩ hồi sức làm nhiệm vụ theo dõi, điều trị hậu phẫu cho người bệnh. Thành công của mỗi ca bệnh nặng không chỉ là sự đóng góp của các bác sĩ ngoại khoa, mà còn là lực lượng âm thầm phía sau làm nhiệm vụ hồi sức cho người bệnh.

Bác sĩ của những em bé ghép tim

Một ngày sau ca ghép tim kéo dài hơn 10 tiếng, cô bé L.K.V (7 tuổi, Hà Nội) tỉnh dậy tại phòng hậu phẫu của Khoa Hồi sức Tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Người đầu tiên cô bé nhìn thấy là Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Quân. Bắt gặp nụ cười hiền hậu của bác sĩ Quân, nghe bác sĩ hỏi những câu đầu tiên, cô bé ngoan ngoãn làm theo chỉ dẫn. Suốt 1 tháng nằm tại phòng hồi sức, cô bé được bác sĩ Quân và các cô điều dưỡng chăm sóc, điều trị đặc biệt, cô bé trở nên thân thiết với người bác sĩ tận tình như ruột thịt.

Tôi có cơ duyên được gặp bé gái L.K.V vào ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua, trước khi bé được xuất viện. Hôm đó, anh trai của bé V là L.X.G.H cũng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám sức khoẻ định kỳ sau 3 năm ghép tim và đến phòng bệnh thăm em gái. Cuộc gặp gỡ của hai anh em ở phòng bệnh thật xúc động khi cả hai đều được bác sĩ Quân chăm sóc và điều trị suốt thời gian hậu phẫu sau khi ghép tim.

Chia sẻ với tôi, bác sĩ Quân cho biết, cả hai cháu bé đều phát hiện mắc bệnh cơ tim giãn (tim to) từ khi lên 6 tuổi. Các cháu chuyển sang giai đoạn suy tim rất nhanh, đặc biệt là người anh, cuộc sống chỉ tính bằng ngày, nằm trên giường bệnh thoi thóp với những cơn đau không ăn uống được.

Thật may mắn, trong danh sách chờ ghép tạng dài dằng dặc, cả hai anh em được được chọn ghép tim từ người cho chết não. “Cả hai cháu khi lên bàn phẫu thuật chỉ mới 7 tuổi. Trường hợp cả 2 anh em ruột may mắn đều được ghép tim và thành công là rất hiếm hoi. Đó là cái duyên”, bác sĩ Quân nói.

Người bác sĩ cứu nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh ảnh 1
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Quân.

Kể lại chuyện nhiều lần thót tim khi điều trị hậu phẫu sau ca ghép cho người em, bác sĩ Quân cho biết, ban đầu tưởng rất thuận lợi, nhưng một ngày sau ghép đã gặp những biến cố bất thường ngoài dự đoán, đó là lượng nước tiểu ít dần và không ra nữa (vô niệu) trong khi các chỉ số đều ổn định, tim hoạt động tốt.

“Đây là ca đầu tiên chúng tôi gặp phải tình huống không lường trước được phản ứng từ thận, liên quan đến liều thuốc ức chế miễn dịch và tình trạng trơ với thuốc lợi tiểu do điều trị suy tim giai đoạn cuối trước ghép.

Tình huống này không thể tham khảo kinh nghiệm xử trí tình trạng vô niệu ở bệnh nhân ghép tim trẻ em từ các đồng nghiệp trong nước, chỉ còn cách tìm kiếm tài liệu từ các trang web uy tín trên thế giới. Điều đánh đố lúc này là thế giới dùng 1 loại thuốc truyền để điều trị nhưng Việt Nam lại không có. Không cách nào khác, chúng tôi buộc phải lựa chọn thay thế thận là lọc máu liên tục”, bác sĩ kể lại những quyết định “cân não” vào thời điểm đó.

Rất may mắn, do có thời gian dài nằm viện, nên bé gái rất ngoan, hợp tác với mọi sự chỉ định bác sĩ, nằm lọc máu liên tục trong 1 tuần, đã giúp việc điều trị thành công. Tưởng đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng các bác sĩ lại gặp phải tính huống không lường thứ hai là cháu bé có dấu hiệu ho, sốt và mệt mỏi.

“Chúng tôi làm xét nghiệm cúm A và Covid-19 thì phát hiện cháu dương tính với Covid-19. Trẻ bị Covid-19 trên nền vừa ghép tạng, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch liều cao, lại có khó thở, rất nguy hiểm. Chúng tôi phải hội chẩn đưa ra quyết định hỗ trợ thở cho trẻ bằng HFNC (gọng thở) và đặt tình huống nếu trẻ bị tổn thương phổi cấp do Covid-19 thì cần xử trí đặt ECMO – tim phổi nhân tạo. May mắn sau 2-3 ngày, tình trạng Covid-19 thoái trào nhanh, cháu hồi phục tốt và xuất viện”, bác sĩ Quân nói.

Người bác sĩ cứu nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh ảnh 3

Bác sĩ Quân đang điều trị cho bệnh nhân nặng.

Bé gái đã bắt đầu cuộc sống mới với trái tim mới khoẻ mạnh, vui vẻ đón Tết với gia đình. “Cháu vừa đến kiểm tra lại vào mấy ngày trước, các chỉ số đều tốt, chúng tôi rất mừng cho cháu và gia đình”, bác sĩ Quân vui vẻ cho biết.

Theo chia sẻ của anh, không chỉ có tình cảm đặc biệt với hai anh em ruột được ghép tim, từ những ca ghép tim trẻ em đầu tiên ở Việt Nam, anh là người theo dõi, điều trị cho các bé, đến nay vẫn đọng lại rất nhiều kỷ niệm trìu mến.

“Ca ghép tim đầu tiên vào năm 2011 khi mới tiếp cận mình thấy cực khó. Nhưng khi ghép xong, mình hồi sức thì thấy cũng đơn giản thôi. Cùng với ngoại khoa, chúng tôi đã cứu được nhiều bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong giảm nhiều so với trước”, bác sĩ nói.

Dùng trái tim để thấu hiểu người bệnh

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Quân đó là nụ cười đôn hậu, tận tâm với người bệnh. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú Trường Đại học Y Hà Nội, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Quân về nhận công tác tại Trung tâm Gây mê hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Mối duyên đưa anh gắn bó với hồi sức tim mạch-lồng ngực vào năm 2010 khi anh muốn phát triển thế mạnh chuyên sâu về một lĩnh vực. Nếu như sai sót trong một số chuyên ngành có thể “sữa chữa” được thì quyết định của bác sĩ hồi sức đòi hỏi phải nhanh, nếu đưa ra quyết định sai có thể bệnh nhân tử vong rất nhanh, đặc biệt trẻ em, chỉ cần cấp cứu chậm một chút có thể mất mạng.

“Chuyên ngành hồi sức phải chịu nhiều áp lực, đối diện với bên bờ sinh – tử hàng ngày của người bệnh. Đặc thù của ngành hồi sức có thiệt thòi, phải đối diện với cảm xúc, khi bệnh nhân mất, trước đó bác sĩ gặp người nhà, phải chia sẻ, giải thích với người nhà, lúc đó có rất nhiều thái cực. Người nhà bệnh nhân có người mạnh mẽ kìm nén cảm xúc thì ngồi lắng nghe, người không kìm nén được có thể khóc, to tiếng.

Người bác sĩ cứu nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh ảnh 4

Bác sĩ Phạm Tiến Quân thăm hỏi 2 anh em ruột cùng được ghép tim.

Đặc biệt trẻ em, khi nhìn thấy đứa trẻ mất thì tác động trực tiếp đến cảm xúc của bác sĩ. Có những điều dưỡng trẻ mới vào làm việc, khi chứng kiến trẻ em tử vong, họ kéo nhau vào phòng ngồi khóc, sau quen dần, cảm xúc cũng sẽ chai lì đi. Với mình mỗi trường hợp để lại một cảm xúc muôn màu, tác động lên tâm lý, phải tìm cách thoát ra để tiếp tục hồi sức cho bệnh nhân khác”, bác sĩ Quân chia sẻ.

Trong cuộc đời nghề y của mình, bác sĩ Quân đã cứu vô số bệnh nhân thoát “cửa tử”. Có nam bệnh nhân ở Quảng Ninh mổ lóc động mạch chủ trong tình huống thập tử nhất sinh, nằm hồi sức hơn 2 tháng, khi ra viện quay lại mang cho bác sĩ cân chả mực và hộp xu hào cà rốt muối do vợ ông làm để cảm ơn. Bệnh nhân cho biết, chỉ ở đây ông mới cảm nhận được sự khác biệt bởi sự chăm sóc rất tận tình, chuyên nghiệp, chia sẻ giữa nhân viên y tế với người bệnh mà đi nơi khác không thấy được.

“Từ hành nghề đến giờ, tôi chưa thấy bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân khó tính với mình, có lẽ do mình đồng cảm với người bệnh nên có kết quả tốt. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thiệt thòi khi đã chọn chuyên ngành hồi sức. Điều quan tâm nhất của tôi là công việc có mang lại lợi ích tốt đẹp cho cuộc sống, cho người bệnh hay không. Khi đã làm được, tôi rất vui và hạnh phúc”, bác sĩ Quân chia sẻ.

THANH HẰNG - MẠNH TRẦN