Những chiến sĩ áo trắng tận tình, trách nhiệm nơi đảo xa

Tran Huy
Nhìn sắc diện những chiến sĩ và người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà chúng tôi gặp trong chuyến ra thăm đảo mới đây thấy ai cũng rắn rỏi, khỏe mạnh. Góp phần cho thành quả đó là những kíp y, bác sĩ mang quân hàm, được tuyển chọn và luân phiên từ các bệnh viện tuyến đầu, như Trung ương Quân đội 108, Quân y 354, Quân y 175...
Những chiến sĩ áo trắng tận tình, trách nhiệm nơi đảo xa

Sau hải trình hơn hai ngày, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác chúng tôi là đảo Song Tử Tây. Lần đầu ra đảo lại nhiều bữa gặp sóng cấp 5, cấp 6 cho nên Trung sĩ Nguyễn Văn Đạt bị say sóng dẫn đến tụt đường huyết.

Đạt đã được xuồng chuyển tải vượt sóng đưa vào Bệnh xá Song Tử Tây để các cán bộ y tế trên đảo hỗ trợ chăm sóc, nghỉ ngơi. Bệnh xá khang trang nằm trên khuôn viên 2.000m2, có nhiều phòng chức năng, do kíp quân y gồm 2 bác sĩ (ngoại khoa và nội khoa) và 5 điều dưỡng phụ trách...

Đại úy, bác sĩ, thạc sĩ Lê Văn Quốc, Bệnh xá trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ, trước khi ra đảo, qua kinh nghiệm từ các kíp đi trước chúng tôi thấy được khó khăn, trong đó khó nhất là sự thiếu thốn các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cũng như đơn vị cử ra đảo, chúng tôi đã ngay lập tức bắt tay vào công việc, chăm sóc, cứu chữa cho chiến sĩ và người dân trên đảo, nhất là cho các ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên các ngư trường quanh quần đảo Trường Sa. Hằng năm, bệnh xá tổ chức khám định kỳ hai lần cho toàn quân và dân trên đảo.

Một ngư dân đã gần 80 tuổi đang tham gia đánh bắt hải sản cách đảo hàng chục hải lý bị đau bụng, nghi ngờ là viêm ruột thừa cấp. Biết trên đảo có các bác sĩ quân y, tàu cá vội đưa người bệnh đến...

Nhờ được phẫu thuật kịp thời, người bệnh qua cơn nguy kịch. Thời gian qua, Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã xử lý thành công 6 ca viêm ruột thừa cấp, trong đó có một ca rất nặng.

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Liên, xã Song Tử Tây đưa hai con là Phan Trần Mận Nhi và Phan Gia Phát lên bệnh xá khám bệnh.

Khi được hỏi về công tác khám, chữa bệnh, chị Liên chia sẻ, các bác sĩ rất tận tình, thăm khám cho các cháu và các hộ dân ở trên đảo rất chu đáo. Bác sĩ bộ đội tay nghề cao, có cả bác sĩ chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, thật sự là điểm tựa cho chúng tôi.

Kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luân chuyển công tác ra đảo luôn là điểm tựa cho quân, dân Trường Sa. Là người chiến sĩ áo trắng, các anh đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, làm hết khả năng để cứu chữa cho người dân. Có những ca bệnh khó, ngoài khả năng, các anh tham vấn các thầy, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành.

Sáu tháng qua, các y, bác sĩ trên đảo đã hội chẩn trực tuyến bằng hệ thống khám bệnh từ xa với các thầy, giáo sư đầu ngành cứu chữa cho năm trường hợp. Bệnh xá đảo Song Tử Tây được trang bị khá cơ bản, đầy đủ, có phòng chụp X-quang, phòng mổ; phòng cấp cứu, máy siêu âm… buồng tăng, giảm áp (chữa trị cho những trường hợp tai biến khi lặn biển).

Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa I Tạ Đức Thao, đảo Song Tử Tây chia sẻ: Tuy những trang thiết bị y tế trên các đảo còn chưa đầy đủ nhưng chúng tôi đã tận dụng tối đa để chữa cho người bệnh.

Có trường hợp được đưa đến trong tình trạng cấm khẩu, liệt nửa người do lặn sâu rồi ngoi lên mặt nước đột ngột, bóng khí trong lòng mạch nở to gây tắc mạch. Vào bệnh xá, chúng tôi đưa vào buồng giảm áp, sử dụng công nghệ tái tăng áp rồi giảm từ từ để làm tan bóng khí, phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.

Trước đây, tỷ lệ tử vong những trường hợp tai biến do lặn biển khá cao do người dân tự chữa bằng mẹo. Không chỉ cứu chữa, các cán bộ y tế còn tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân, nhất là ngư dân không tự ý điều trị tại nhà, tại chỗ mà khi gặp tình trạng tương tự cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

Tham gia khám, chữa bệnh trên đảo Sinh Tồn Đông có kíp 4 y, bác sĩ đến từ Bệnh viện Quân y 354. Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông là ngôi nhà cấp 4, chia làm 3 gian. Gian rộng nhất khoảng 20m2 được chọn làm nơi khám bệnh, phòng mổ rộng chừng 10m2 và phòng sinh hoạt cũng rộng như phòng mổ, là nơi ở của cả bốn cán bộ y tế.

Bệnh xá trưởng, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Nam chia sẻ, quân và dân trên đảo được thăm khám bệnh theo từng quý. Thuốc chữa bệnh được tàu hậu cần vận chuyển ra thường xuyên, những bệnh thông thường cơ bản đầy đủ thuốc. Gặp những ca bệnh khó, chưa từng gặp, chúng tôi liên lạc về đất liền, hội chẩn bằng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, cho biết, đến nay, trang thiết bị khám, chữa bệnh ở các bệnh xá trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho quân, dân và ngư dân.

Với các kíp y, bác sĩ trên tuyến quần đảo Trường Sa, không chỉ làm việc ở những trung tâm hiện đại mới phát huy được khả năng và phát triển tay nghề mà ở những nơi khó khăn, thiếu thốn như trên đảo cũng là một trải nghiệm quý báu. Họ luôn vững về tay nghề, kinh nghiệm và được rèn luyện thực tế để làm tốt nhiệm vụ trị bệnh, cứu người nơi đảo xa.

NINH CƠ