Niềm vui từ "hỗ trợ tạo đà"

Nguyễn Ánh Hiền
Những năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với công tác vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có những hỗ trợ thiết thực, tạo đà để nhiều nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thành Công, ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, ít ai nghĩ hơn 10 năm trước, cuộc sống gia đình anh khó khăn đến nhường nào. Hiện tại, anh Công đang làm dịch vụ dịch thuật, kinh doanh sim điện thoại, lắp camera, phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho bà con trong và ngoài xã.

Anh Nguyễn Thành Công tâm sự: “Bố mẹ tôi sinh được 3 người con, tôi không may mang trên mình di chứng da cam từ bố. Càng lớn, chân tay càng teo dần, đến lớp 8 thì tôi không thể đi lại được nữa. Gia đình trở nên khó khăn bội phần khi bố mất sớm vì tai nạn giao thông. Kể từ đó, mẹ một mình gánh vác nuôi chị em tôi ăn học và chạy chữa khắp nơi mong tôi khỏi bệnh”.

Khó khăn là vậy nhưng bà Lê Thị Thắm (mẹ anh Công) luôn động viên anh vượt lên số phận, học tốt để mai này có thể tự nuôi bản thân mình. Không phụ công mẹ, anh Công đã tốt nghiệp cử nhân ngành Tin học (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế). “Khó khăn không dừng lại ở đó, năm 2013, khi tôi mới mở cửa hàng thì cơn bão ập đến đánh sập ngôi nhà. Mẹ con tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực bằng cả vật chất và tinh thần từ Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện và cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã. Đó là động lực để tôi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”-anh Nguyễn Thành Công chia sẻ.

botrach179034155pm-1-1703818431.jpg
Ông Phạm Công Thắng (bên phải) thoát nghèo nhờ máy xay xát và chăn nuôi trang trại.

Đối với gia đình ông Phạm Công Thắng (nạn nhân CĐDC), ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, từ nguồn hỗ trợ vay vốn sản xuất 10 triệu đồng (không tính lãi trong 5 năm) và hỗ trợ vốn sản xuất 5 triệu đồng của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Bố Trạch, gia đình đầu tư mua máy xay xát; chăn nuôi gia cầm kết hợp với nuôi ong. Hiện tại, gia đình ông Thắng trở nên khá giả, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Toàn huyện Bố Trạch hiện có 949 nạn nhân CĐDC, trong đó, nạn nhân trực tiếp là 519 người, nạn nhân gián tiếp là 430 người, nạn nhân nữ là 247 người. Đồng chí Phan Lương, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Bố Trạch cho biết: “Với sự chung tay quan tâm, chia sẻ của các cấp chính quyền, địa phương, các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện vận động được hơn 6,4 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC/dioxin. Trong đó, hội hỗ trợ làm và sửa chữa nhà ở cho 118 hộ với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho 34 hộ với số tiền 246 triệu đồng; hỗ trợ nạn nhân ốm đau, qua đời 292 triệu đồng; tẩy độc, chăm sóc sức khỏe cho 272 nạn nhân với số tiền hơn 819 triệu đồng...”.