Quang cảnh buổi Tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh cho biết, du lịch ẩm thực đang dần trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành du lịch của Ninh Bình, do là một trong những điểm đến nổi bật nhờ nền ẩm thực phong phú, đa dạng và đặc trưng với nhiều món ăn nổi tiếng, chứa đựng chiều sâu văn hóa, đậm nét truyền thống của vùng đất Cố đô, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: thịt dê, cơm cháy, cá rô Tổng Trường, mắm tép, nem chua Yên Mạc,…
Tuy nhiên, du lịch ẩm thực Ninh Bình chưa thật sự tạo điểm nhấn và chưa trở thành loại hình du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước bởi: các nhà hàng ẩm thực hiện nay chỉ mang tính chất tự phát, manh mún, cạnh tranh không lành mạnh, chỉ cạnh tranh về giá chứ chưa cạnh tranh về chất lượng phục vụ, về phong cách phục vụ, chưa quy hoạch cụ thể, chưa được sắp xếp khoa học; các hoạt động quảng bá về du lịch ẩm thực chưa có sự đầu tư đúng nghĩa; đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo chuyên sâu, thiếu nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; những món ăn truyền thống chưa sáng tạo, chưa tạo nên những món ăn độc đáo riêng có của từng nhà hàng, ngại cải tiến sáng tạo ra những món ăn mới...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh phát biểu tại buổi Tọa đàm. |
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho rằng, phát triển du lịch Ninh Bình dựa trên các yếu tố ẩm thực không chỉ là việc thu hút khách du lịch mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Để ẩm thực Ninh Bình trở thành một loại hình du lịch, tiếp tục vang danh thế giới, trong thời gian tới, Ninh Bình cần phải thay đổi chiến lược, đẩy mạnh khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại tọa đàm. |
Vì vậy, Tọa đàm với cái nhìn chuyên sâu từ phía các nhà quản lý, các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực để các nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh du lịch Ninh Bình tự soi, tự căn chỉnh lại tất cả các khâu cả về thái độ phục vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên cơ sở đó, giúp Ninh Bình xác định được ngưỡng phát triển thời gian qua để nâng tầm ẩm thực của tỉnh lên một tầm mới và đặt nó với tư cách là một bộ môn văn hóa, mang lại tối đa giá trị kinh tế, tối đa hóa các lợi ích của nông nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu tại Tọa đàm. |
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel, Ninh Bình cần phát huy vai trò, vị thế của mình trong lịch sử, văn hóa dân tộc để xây dựng thành một vùng đất 4 mùa lễ hội, kéo khách du lịch từ các trung tâm du lịch kinh tế trọng điểm về với tỉnh để tạo cơ hội phát triển văn hóa ẩm thực; hệ thống lại các món ăn truyền thống, từ đó phối hợp với các tổ chức ẩm thực trong nước và quốc tế nâng tầm các món ăn truyền thống, tạo nên những kỷ lục về ẩm thực để quảng bá nghệ thuật văn hóa ẩm thực cũng như giá trị điểm đến Ninh Bình.
Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ Hiệp hội Du lịch Ninh Bình xây dựng định chuẩn về các món ăn mà Ninh Bình đang sở hữu gắn với các câu chuyện văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân ẩm thực; tạo cơ sở xây dựng những hội ngành nghề truyền dạy nghề, trường đào tạo để đào tạo ra những đầu bếp giỏi, hướng đến xây dựng trung tâm đào tạo về ẩm thực cho cả vùng và cả nước để tập trung tinh hoa 4 phương về tỉnh; … từ đó Ninh Bình sẽ dần định vị ra được những giá trị căn cơ để cùng thúc đẩy phát triển văn hóa ẩm thực Ninh Bình cũng như phát triển kinh tế của tỉnh lên tầm cao mới.
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại phiên thảo luận thứ nhất “Đánh giá thực trạng ẩm thực du lịch”. |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận đánh giá làm rõ thực trạng ẩm thực du lịch Ninh Bình liên quan đến chất lượng món, trình bày, phục vụ, sự đa dạng, thiết kế không gian… Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ sự thay đổi lớn trong nhu cầu, thị hiếu, hành vi tiêu dùng của du khách, qua đó đề xuất được nhiều giải pháp khả thi, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển, nâng tầm văn hóa ẩm thực du lịch Ninh Bình đáp ứng được nhu cầu thị hiếu, yêu cầu của khách du lịch trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất kiến nghị với các cấp, các ngành hữu quan trong việc phát triển ẩm thực du lịch Ninh Bình như: Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức; phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực đa dạng, đẳng cấp; bảo tồn và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống; thiết lập hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận; tăng cường quảng bá và tiếp thị; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường;…
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh phát biểu tổng kết, bế mạc Tọa đàm. |
Kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả buổi tọa đàm, Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch sẽ phối hợp với các cấp các ngành và đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo, tham mưu tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển ẩm thực du lịch Ninh Bình để triển khai thực hiện trong thời gian tới; nghiên cứu, triển khai việc công nhận, xếp hạng nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; nhà hàng được yêu thích; định kỳ hằng năm tổ chức Lễ hội hoặc liên hoan ẩm thực du lịch Ninh Bình; nghiên cứu bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết số 105 của hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2023-2030 để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, phát triển ẩm thực mang dấu ấn văn hóa, lịch sử của tỉnh để khuyến khích phát triển du lịch.
Thông qua tọa đàm, nhằm khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực để phát triển du lịch Ninh Bình, kích cầu du lịch, góp phần lưu giữ, nâng tầm các món ăn ngon truyền thống của địa phương phục vụ du khách trong và ngoài nước; đồng thời, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình qua các giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền gắn với điều kiện sống, sinh hoạt và giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Cố Đô lịch sử.