Nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Nguyễn Ánh Hiền
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đảng, Tổ quốc, nhân dân luôn là lý tưởng, là mục tiêu để Chủ tịch Hồ Chí Minh phụng sự, cống hiến và hy sinh. Đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, trong Di chúc, Người yêu cầu: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT

Yêu cầu ngắn gọn này thể hiện tư duy, tầm nhìn, minh triết của lãnh tụ về vai trò của văn hóa, ý nghĩa của việc xây dựng, phát triển văn hóa trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong xây dựng nền văn hóa dân tộc, hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ở cấp vĩ mô, Đảng chỉ đạo trên cơ sở chắt lọc những thành tựu trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xác lập hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam cho phù hợp với bối cảnh của đất nước và thời đại. Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh, thành phố tích cực hiện thực hóa đường lối của Đảng, xác định và triển khai những giá trị văn hóa và phẩm chất con người gắn với mục tiêu, khát vọng phát triển cũng như những truyền thống văn hóa của địa phương.

Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ, thúc đẩy tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống là một nhiệm vụ then chốt trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Các cấp, các ngành đã tiến hành nhiều nội dung, biện pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn xã hội. Đáng chú ý, cuộc vận động xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong toàn xã hội.

Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp cả nước. Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư, đã ban hành những quy định, quy chế nhằm cụ thể hóa chủ trương xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh, văn minh. Hệ thống thiết chế văn hóa tiếp tục được kiện toàn từ trung ương tới cơ sở. Các điều kiện vật chất cho hoạt động văn hóa được cải tạo, bổ sung, bước đầu đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế được triển khai một cách thiết thực. Trong lĩnh vực chính trị, cuộc đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu... có chuyển biến tích cực. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Chuẩn mực văn hóa chính trị từng bước được hình thành. Trong lĩnh vực kinh tế, giá trị văn hóa thẩm thấu tạo thành văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa tiêu dùng.

Cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Phong trào đã thật sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Thành công của phong trào này chính là đã tập hợp, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước, phát huy hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao cũng như các hoạt động xã hội thiện nguyện, giúp đỡ nhau làm kinh tế. Những phong trào và những cuộc vận động văn hóa này có ý nghĩa to lớn để tạo lập môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, xây dựng lối sống, nhân cách tốt đẹp của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Các hoạt động văn hóa như bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật, văn hóa các dân tộc thiểu số, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được tổ chức thực hiện và bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được quan tâm. Nhiều di sản văn hóa vật thể được tu bổ, tôn tạo. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, truyền dạy, thực hành. Chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã thu hút được các nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Thực hiện Luật Di sản văn hóa, đến nay có khoảng bảy vạn di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia(1).

Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những năm qua, nhiều di sản của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh ở nhiều danh mục: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và cần bảo vệ khẩn cấp, Di sản tư liệu. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đang là hướng đi được nhiều địa phương lựa chọn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Văn hóa của các dân tộc thiểu số được gìn giữ, góp phần bảo đảm tính đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ, lực lượng sáng tác cũng như sự đa dạng của số lượng loại hình nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật. Chất lượng của các tác phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Hiện cả nước có hơn bốn vạn người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thuộc các chuyên ngành: Văn học, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số; sinh hoạt trong 10 hội chuyên ngành trung ương và 63 hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là lực lượng hùng hậu, gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với nhân dân, thiết tha với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, khao khát vươn lên để cống hiến có hiệu quả.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Những khó khăn về thể chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa từng bước được tháo gỡ. Quyền tự do sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ,... được quan tâm. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai các kế hoạch cụ thể để lựa chọn và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác nguồn lực văn hóa của địa phương. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc, gia tăng cơ hội sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của các tầng lớp nhân dân mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Những con số tăng trưởng ấn tượng về công nghiệp văn hóa cho thấy tiềm năng và khả năng chuyển hóa nguồn vốn văn hóa và sức sáng tạo của con người Việt Nam thành động lực trực tiếp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Các hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai rộng khắp cả trong và ngoài nước, đa dạng về đối tượng, phong phú về nội dung, hình thức. Việt Nam trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhiều ngày hội văn hóa của các quốc gia, nhiều sự kiện văn hóa quốc tế được tổ chức thành công tại Việt Nam. Việt Nam cũng tích cực giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đã bước đầu được lan tỏa, tạo ra những hiệu ứng tích cực trong khẳng định uy tín và vị thế của quốc gia.

Những nỗ lực xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần thiết thực nâng cao đời sống của nhân dân. Từ quan điểm, Nghị quyết của Đảng cho đến những chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện đều hướng đến mục tiêu vì sự phát triển con người toàn diện. Tất nhiên, trong quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhưng thiết nghĩ, nếu tất cả các chiến lược, các kế hoạch, các đề án phát triển văn hóa đều "lấy hạnh phúc của đồng bào làm cơ sở" như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn, chúng ta sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn, vượt qua thách thức, xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

---------------------------------

(1) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa, Hà Nội, 2022, tr. 9, 14.

PGS, TS VŨ THỊ PHƯƠNG HẬU (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)