Các tiêu chí văn hóa nâng cao đời sống của người dân
Thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa với những tiêu chí cụ thể được triển khai trên địa bàn Thủ đô góp phần thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội, nâng cao dân trí, bảo đảm nhu cầu hưởng thụ về vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trên địa bàn quận Long Biên, việc tuyên truyền xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh” được triển khai thực hiện kịp thời, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức. Công tác thông tin, tuyên truyền đã kịp thời truyền tải các văn bản chỉ đạo, quá trình triển khai và kết quả xây dựng các danh hiệu văn hóa.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Long Biên cho biết: “Trên cơ sở thực tế, việc đăng ký, đánh giá, công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh” được triển khai đúng quy trình, đánh giá thực chất. Qua kiểm tra, UBND quận Long Biên công nhận phường Việt Hưng và phường Giang Biên đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2023, tổ chức trao giấy chứng nhận tại hội nghị tổng kết thi đua, khen thưởng năm 2023".
TP Hà Nội tổ chức hội thi tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. |
Tìm hiểu việc thực hiện các tiêu chí văn hóa tại huyện Phúc Thọ trong giai đoạn 2018-2023, công tác bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm sau cao hơn năm trước. Về công tác xây dựng "Thôn văn hóa", năm 2023, toàn huyện đạt 81,5% (số thôn văn hóa là 128/157 thôn), vượt chỉ tiêu đề ra.
Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội) cho biết: “Trên địa bàn Thủ đô, từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” từ 85% đến 88%. Các tiêu chí văn hóa triển khai đã thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, các tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng đồng bộ... Nhờ đó, các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.
Những tồn tại, bất cập cần giải quyết
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa vẫn còn bộc lộ bất cập, khó khăn như: Việc công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa trên danh nghĩa, tỷ lệ đạt danh hiệu thì tăng nhưng chất lượng thực hiện các tiêu chí không cao.
Từ thực tế ở khu dân cư, Ông Bùi Văn Kha, Tổ trưởng Tổ dân phố số 15 (phường Thành Công, quận Ba Đình) chia sẻ: “Việc chấm điểm một số tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” còn gặp khó khăn. Ví như việc quy định không thả rông vật nuôi phóng uế bừa bãi là tiêu chí phải có chế tài cụ thể mới thực hiện được. Hay tiêu chí có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, có khu thể thao lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời là khó thực hiện vì ở nội thành không còn diện tích để lắp đặt”.
Qua triển khai đánh giá, bình xét, công nhận các tiêu chí văn hóa ở địa phương, ông Phạm Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND phường Phú Lãm (quận Hà Đông) cho rằng: “Có tiêu chí chung chung, chưa có định lượng, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn dẫn đến việc triển khai xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn còn hình thức. Đơn cử như, các địa phương còn xảy ra tình trạng vi phạm an ninh trật tự công cộng, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, nhưng chưa đưa vào bổ sung trong tiêu chí. Đối với tiêu chí thực hiện chính sách hôn nhân và gia đình, chưa rõ nội dung thế nào là sinh đủ số con? Còn tiêu chuẩn “Phường văn hóa”, tỷ lệ 85% trở lên các đám tang tiến hành hỏa táng, địa táng cần xem xét lại cho phù hợp”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, bất cập trong công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa là bởi tiêu chí khi ban hành được áp dụng chung cho cả nước, nhiều nội dung chưa phù hợp với đặc thù trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, còn có hiện tượng ban chỉ đạo phường, ban vận động tổ dân phố chấm điểm, đánh giá cảm tính, nể nang, chạy theo thành tích, làm giảm giá trị các danh hiệu văn hóa.
Để công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực, bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Long Biên đề xuất, việc xây dựng các tiêu chí cần có nội dung sát với thực tiễn đời sống, có định mức cụ thể trong đánh giá, chấm điểm; đưa ra các tiêu chí phù hợp với danh hiệu, mang tính đại trà quần chúng và gắn với đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Địa phương kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình hiệu quả, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong xây dựng danh hiệu văn hóa.
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhấn mạnh: “Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, ngành văn hóa tổng hợp, đề xuất xây dựng các tiêu chí có nội dung sát với thực tiễn đời sống, có định lượng, có tính khả thi trong đánh giá, chấm điểm. Quy định cụ thể điểm trừ, điểm cộng, phù hợp, thống nhất trong toàn thành phố, từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn chi tiết, cụ thể phục vụ công tác bình xét, công nhận các danh hiệu: “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn Thủ đô”.
Đối với danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, các địa phương tập trung hướng dẫn triển khai Nghị định số 86/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thay thế Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. TP Hà Nội tổ chức rà soát, lấy ý kiến xây dựng tiêu chí xét tặng các danh hiệu văn hóa phù hợp. |