Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2024 (1-15/8) đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm 4,24 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 68,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất nhập khẩu chính thức vượt mốc 450 tỷ USD (Ảnh: Cấn Dũng) |
Trong kỳ 1 tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 933 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 15,49 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, tổng kim ngạch kỳ 1 tháng 8 đạt 16,93 tỷ USD, giảm 14,9% so với kỳ 2 tháng 7/2024. Tính từ đầu năm đến hết 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8 đạt 16 tỷ USD, giảm 7,4 so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024. Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/8, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 228,92 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hoá nhập khẩu vẫn tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,2%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 16,5%; sắt thép các loại tăng 1 tăng 22,5%... Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tăng cao là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang tăng mạnh nhập khẩu để sản xuất, phục vụ cho các đơn hàng cuối năm.
Chia sẻ về điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, điểm tích cực là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Những con số tích cực về tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang rất cố gắng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Từ đó tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, cũng như định hướng các mặt hàng của nước ta trên thị trường thế giới.
Với những nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có khả năng đạt và thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024.
Thời gian tới, chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường, đồng thời, bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại.
Tính bình quân 8 tháng qua, mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm còn 5 tháng nữa. Nếu giữ vững con số 70 tỷ USD trong một tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước có thể đạt 790 tỷ USD, là con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây cũng không phải là dự báo quá xa vời, bởi thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hoá của hầu hết các thị trường đều tăng, đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên.
Trước đó, mức kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục được ghi nhận đạt được năm 2022 với con số 730,21 tỷ USD.
Bảo Ngọc